Năm 2015 có những tín hiệu vui như bất động sản đang dần hồi phục, các doanh nghiệp tìm được đối tác, khách hàng, tình hình xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc... Tuy vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn!
Trong những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế (đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, 15% tổng thu ngân sách và giải quyết hơn 60% lao động…). Ông Nguyễn Mạnh Tuệ, Phó phòng Kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, cho biết trong tổng số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố, khoảng 97% là các DNVVN.
Bảng 1: Phân loại DNNVV của Việt Nam
Nguồn: Nghị định số 56/2009/NĐ-CP.
Theo Kế hoạch phát triển DNNVV lần 2, dự kiến đến ngày 31/12/2015 cả nước có 600.000 DNNVV đang hoạt động. Khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước; tạo thêm khoảng 3,5 - 4 triệu chỗ làm việc mới.
Tuy nhiên, nhiều DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2015 là 3.884 DN, trong đó phần lớn là những DN quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,1%); số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 22.705 DN.
Khó khăn của DNNVV
Hầu hết các DNNVV đang rất khó khăn về tài chính, công nghệ hạn chế, thiếu các thông tin về thị trường cũng như nội dung các hiệp định thương mại.
Hầu hết các DNNVV thiếu vốn sản xuất - kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có! Tín dụng cho các DNNVV tăng trưởng rất chậm, chỉ có khoảng 30% DNNVV có thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng thương mại. Hiện có 21 quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, nhưng có tới một nửa số quỹ mới thành lập cuối năm 2013, đầu năm 2014, nên chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Theo Chủ tịch Hiệp hội các DNNVV Cao Sĩ Kiêm, có tới 80% số các DNNVV có vốn điều lệ dưới 7 tỷ đồng. Khoảng 90% DN phải đi vay vốn ngân hàng, việc tự huy động vốn để đầu tư phát triển sản xuất rất khó khăn do hầu hết các DN này không đủ điều kiện vay ngân hàng hay tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế, càng khó tham gia vào thị trường vốn (chứng khoán, phát hành cổ phiếu…) do không có tài sản đảm bảo, hồ sơ vay vốn không hợp lệ, không có phương án, dự án sản xuất kinh doanh …Thêm nữa, có tới 48% DNNVV bị ngân hàng từ chối cho vay vốn mà không rõ lý do!
DNNVV được kỳ vọng có thể đóng góp vào sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, hoặc đóng vai trò là nhà cung ứng dịch vụ, sản phẩm đầu vào cho các DN nước ngoài hoặc các dự án lớn của Nhà nước. Quá trình này sẽ thúc đẩy cho các DNNVV trở thành trụ cột để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên hiện nay, đa số DNNVV Việt Nam chưa tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các DNNVV chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực DN. Khoảng 80 - 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các DN của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 - 1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Theo Luật Thuế thu nhập DN, các DN được phép trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, khảo sát về tình hình sử dụng thiết bị công nghệ và tư vấn công nghệ của các DN Việt Nam do UNDP và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện tại 100 DN ở Hà Nội và TP. HCM cho thấy, mức đầu tư cho đổi mới thiết bị - công nghệ chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm.
Một số giải pháp giúp DNNVV phát triển tại TP. HCM
Để tiếp sức cho các DN, trong thời gian qua, TP. HCM đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, như thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền và DN nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc DN đang gặp phải để có những góp ý và định hướng cho DN; tổ chức các cuộc kết nối giữa ngân hàng và DN để giúp DNVVN có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực (tài chính, công nghệ, khởi nghiệp…), tiêu biểu là Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV. Ngoài ra, Nhà nước còn chủ trương rà soát lại hệ thống quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của DN: bổ sung các quy định liên quan đến khâu cấp phép quản lý; kiểm soát vốn và điều lệ DN; sửa đổi Luật Phá sản 2004 theo hướng áp dụng thủ tục phá sản cho mọi đối tượng kinh doanh, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình giải quyết phá sản; sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư 2005 theo hướng không phân biệt thành phần kinh tế; sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Chứng khoán, chế độ kế toán DNNVV, Nghị định số 119/1999/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích DN đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ, …Soạn thảo Đề án nghiên cứu xây dựng Luật Xúc tiến phát triển DNNVV.
Ngoài ra, TP. HCM còn có chương trình kích cầu hỗ trợ lãi vay cho những DN hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, xử lý môi trường ví dụ như Chương trình kích cầu theo Quyết định 33 và Quyết định 38 của UBND TP. HCM. Theo Quyết định 33/QĐ-UB, những dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho DN khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu. Chương trình hỗ trợ 50% lãi vay cho các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, máy móc thiết bị kiểm tra an toàn trong quá trình sản xuất công nghiệp... Thời gian hỗ trợ lãi vay đối với các dự án không quá 7 năm. Đến nay có 85/114 dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư gần 6.800 tỷ đồng. Trong đó, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất hơn 3.200 tỷ đồng. Tuy vậy, vướng mắc mà DN gặp phải trong quyết định này là lãi suất cho vay chưa phù hợp với tình hình trả lãi thực tế của DN. Thời gian hỗ trợ dự án ngắn, chỉ 7 năm thay vì là 10 năm. Mức hỗ trợ vốn vay cho DN bị không chế ở mức 100 tỷ đồng/dự án, thay vì dựa trên tổng mức đầu tư của dự án được triển khai.
Bên cạnh đó, các DNVVN có thể tìm đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng thành phố, Quỹ Tư vấn miễn phí… giúp các DNNVV trong công tác lập dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, tư vấn tài chính kế toán khi có nhu cầu. Hiện có hơn 4.500 DN trên địa bàn thành phố tiếp cận được ngân hàng với vốn vay hợp lý, trong đó lãi suất vay trung - dài hạn ở mức 8,5-9,5%/năm, ngắn hạn từ 6,6-6,8%/năm. Đồng hành với UBND thành phố, trong ba năm qua với chương trình kết nối DN, Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết đã có hơn 67.500 tỷ đồng được ngân hàng cho vay.
Tại Diễn đàn “Giải pháp tài chính Hỗ trợ cho DNVVN - 2015” tổ chức ngày 17/6/2015 vừa qua, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. HCM cho biết thời gian qua chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế cơ chế hỗ trợ tài chính ở các giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, nhờ đó DNVVN đã có nhiều thuận lợi hơn trong triển khai công tác nghiên cứu hoặc thực hiện các ý đồ đổi mới sản phẩm hoặc quy trình công nghệ.
NGUYỄN HOÀNG, STINFO số 8/2015
Tải bài này về tại đây.