SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình kỹ thuật nuôi cá chép Nhật

Hiện nay, trên thị trường cá cảnh tại TP. HCM có rất nhiều chủng loại, trong đó cá chép Nhật là một trong những đối tượng được người chơi cá cảnh quan tâm. Bên cạnh mặt độc đáo về màu sắc, hình dáng thì việc nuôi cá chép Nhật xuất khẩu còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Những năm gần đây, nghề sản xuất và kinh doanh cá cảnh được đánh giá là một trong những ngành có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng, và được xem như là đối tượng thủy sản phù hợp cho sản xuất nông nghiệp đô thị tại TP.HCM hiện nay. Trong nhiều loài cá cảnh được ưa chuộng ở TP. HCM, thì cá chép Nhật là đối tượng không chỉ được người chơi cá cảnh trong nước quan tâm, mà còn đang được xuất khẩu ra thị trường các nước như Mỹ, châu Âu và châu Á…

Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn chính là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, đặc biệt là vây đuôi. Để các mô hình nuôi cá chép Nhật đạt hiệu quả kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro, người nuôi cần có những hiểu biết cơ bản nhất về cá chép Nhật như: đặc điểm sinh thái, tập tính dinh dưỡng, sinh sản… cũng như hiểu biết về kỹ thuật nuôi, biện pháp phòng, trị bệnh…

Quy trình và phương pháp thực hiện

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Điều kiện ao nuôi: diện tích ao từ 500-100m2 trở lên, độ sâu 1,2-1,5m. Đặt ao gần nguồn nước, mặt ao thoáng, không bóng cây che, trên bờ không có bụi rậm. Bờ ao cao hơn mực nước thủy triều cao nhất 0,5m.

Hình thức nuôi vỗ: nuôi chung cá bố mẹ, mật độ 20–25 con/100m2.

Tỉ lệ đực:cái khi nuôi là 1:2 hoặc 1:3.

Chọn cá nuôi vỗ:chọn cá thuần chủng, khỏe mạnh, không bị xây xát, dị hình, dị dạng, trọng lượng cá 200-300gam/con và cỡ cá 20-30cm/con. Không lấy cả đực và cái trong cùng một lứa, chỉ chọn hoặc đực hoặc cái.

Thức ăn và chế độ cho ăn:

- Loại thức ăn: cám có 35–40% đạm, đồng thời bón phân chuồng đã ủ hoai gây màu định kỳ cho ao để tạo nguồn thức ăn tự nhiên, lượng phân bón tùy vào màu nước.

- Lượng thức ăn: 5–7% tổng trọng lượng đàn, có thể thay đổi tùy vào điều kiện khí hậu và môi trường có thuận lợi hay không, hoặc tùy vào sức khỏe đàn cá.

Chăm sóc ao nuôi vỗ:

- Cá chép Nhật tương đối dễ nuôi, việc chăm sóc cũng giống như nuôi các loài cá nước ngọt khác.

- Cải tạo ao trước khi thả cá: Bón định kỳ 25–50kg phân chuồng đã ủ hoai cho 100m2 (tùy vào màu nước trong ao có thể bón 1–2 lần/tháng). Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, nhiệt độ, pH, NH3.... Cần quan tâm đến việc gây nuôi động vật đáy để làm nguồn thức ăn tự nhiên cho cá.

Cho cá đẻ

Khi cá được 7–8 tháng tuổi là đến giai đoạn thành thục. Chọn cá có màu sắc và hình dạng như mong nuốn và có độ thành thục tốt như sau:

- Cá cái: chọn những con có bụng to, da bụng mềm đều, lỗ sinh dục sưng và có màu ửng hồng, trứng có độ rời cao, khi vuốt nhẹ bụng cá từ ngực trở xuống cá tiết ra vài trứng.

- Cá đực: chọn những con có tinh dịch màu trắng sữa, kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ phần bụng gần lỗ sinh dục (lưu ý không vuốt nhiều lần).

Chuẩn bị bể đẻ và giá thể:

- Bể đẻ là hồ xi măng (kích thước 2,5x5x1,2m), đáy bằng phẳng và không có vật nhọn. Giăng lưới xung quanh bên trong bể để dễ thu gom cá bố mẹ sau khi sinh sản và tiện cho việc theo dõi cá sinh sản. Mực nước cấp vào bể đẻ ban đầu khoảng 0,5m và phải lấy trước 2 ngày.

- Chọn bèo lục bình cho cá đẻ trứng. Vệ sinh sạch sẽ bèo, ngắt bớt phần lá và rễ già để tạo chùm rễ thông thoáng, nên chọn phần rễ 30cm, phần thân 20cm, sau đó ngâm vào nước muối 5% để sát trùng và loại bỏ kí sinh trùng khác.

Bố trí cho cá đẻ:

- Mật độ: trung bình 0,5–1kg cá cái/m2 bể đẻ (khoảng 2 cá cái/m2 bể đẻ).

- Tỷ lệ đực/cái tham gia sinh sản: 1,5/1 đến 2/1.

- Phối màu cá: phối cá bố mẹ đều có màu gấm vàng hoặc màu gấm bạc cho sinh sản riêng và không phối sinh sản với các màu sắc khác để có được thế hệ cá con có màu sắc như cá bố mẹ. Cá bố mẹ có hai màu trên thân là đỏ - đen hoặc trắng - đen hoặc đỏ - trắng thì cho sinh sản chung với cá có ba màu đỏ - đen - trắng sẽ cho cá con màu sắc phong phú hơn.

- Lựa chọn cá bố mẹ thường được tiến hành vào buổi sáng (8-9 giờ), sau đó đem cá lên bể đẻ để tiến hành tiêm kích dục tố. Cá cái tiêm từ 60-70 mg LH-RHa + 10 viên DOM/1kg cá hoặc 5-6mg não thùy/1kg cá, cá đực tiêm bằng 1/3 liều cá cái (thời gian hiệu ứng thuốc từ 6-9 giờ). Sau khi tiêm xong cho cá vào bể đẻ, cho giá thể vào và tạo dòng nước chảy nhẹ vào hồ. Bố trí hệ thống sục khí để tăng cường oxy.

Trứng cá dính, hình tròn, màu vàng trong. Thời gian trứng nở từ 36-48 giờ ở nhiệt độ 28-300C, sau khi nở 3-5 ngày cá bắt đầu ăn mồi bên ngoài.

Ấp trứng

Thời gian phát triển phôi khoảng 8–42 giờ ở nhiệt độ nước 26–310C.

Thường xuyên cho nước chảy nhẹ nhàng hoặc thay một phần lượng nước trong bể ấp bằng lượng nước đã dự trữ sẵn, sục khí liên tục, đặc biệt khi trứng sắp nở. Tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

Trứng thụ tinh sau khoảng 24 giờ sẽ thấy 2 mắt đen li ti. Quá trình phát triển phôi cần lượng oxy rất cao nhất là thời điểm trước và sau khi trứng nở và trứng cá chỉ phát triển trong điều kiện giàu oxy, nếu thiếu oxy thì enzyme bị ức chế dẫn đến tỉ lệ nở thấp.

Trong giai đoạn cá mới nở, cá dễ chết hàng loạt do thiếu oxy nếu trên mặt nước có lớp váng, vì vậy phải tăng cường sục khí và theo dõi sau khi trứng nở.

Nuôi thương phẩm

Dùng bể ương xi măng, lót bạt hoặc ao đất.

Bể xử lý nước: Diện tích 2-10m2 (đối với bể), 100–200m2 (đối với ao đất). Mật độ ương 500-700 con/m2.

Cá mới nở sẽ tự dưỡng bằng noãn hoàng trong vòng 3 ngày.

Khi cá 3 ngày tuổi thì cho cá ăn phiêu sinh, bột đậu nành pha loãng trong nước. Sau giai đoạn này một số cá sẽ trổ màu nhưng chưa rõ nét.

Sau 7-10 ngày có thể thả cá ra ao, và sau khi thả cá ra ao vài ngày có thể cho cá tập ăn cám hỗn hợp, tăng dần lượng thức ăn.

Việc chăm sóc trong giai đoạn ương quan trọng nhất là theo dõi và quản lý màu nước, luôn giữ nước có màu xanh lá non, ao luôn được thông thoáng, mặt ao có gió lùa. Tùy điều kiện có thể thay nước 2-3 lần/tháng.

Thức ăn: chỉ cho cá ăn từ đủ đến thiếu, không cho ăn dư vì thức ăn thừa sẽ làm ô nhiễm nước trong bể. Phương pháp cho ăn như sau:

- 10 ngày ương đầu cho ăn trứng nước hoặc lòng đỏ trứng, 10 ngày sau cho ăn trùn chỉ cắt nhỏ.

- 20 ngày ương cho ăn cám + bột cá, hoặc bo bo (moi na).

- Cá khoảng 1 tháng tuổi cho ăn giun, ốc, trai, ấu trùng, côn trùng, phân xanh, cám, bã đậu, thóc lép và các loại thức ăn tổng hợp dưới dạng viên hoặc sợi.

Khi cá được khoảng 4-6 tháng tuổi, bắt đầu phát triển kỳ, vây theo kiểu dáng, màu sắc đặc trưng của cá là có thể thu hoạch để bán.

Theo kinh nghiệm, trong quá trình ương nuôi 4–6 tháng nên sang cá ra các ao khác từ 1–3 lần, cá sẽ mau lớn, khỏe mạnh và có màu sắc đẹp.

Một số bệnh thường gặp

Bệnh đốm trắng

- Biểu hiện: cơ thể của cá phủ đầy những nốt nhỏ màu trắng và lan truyền ra cả vây.

- Điều trị: nâng nhiệt độ nước lên 32–350C trong 4-6 ngày. Pha vào trong nước bể nuôi thuốc tím với liều lượng 1g/1 lít nước.

Bệnh nấm thủy mi (mốc nước)

- Biểu hiện: cơ thể của cá bị phủ một loại phát ban dạng túm như bông hoặc màng mỏng nấm dạng sợi hay bột.

- Điều trị: ngâm cá trong nước muối với liều lượng 15-30g/lít với thời gian từ 15-30 phút hoặc dùng 5g Iodine /m3 nước.

Bệnh nấm miệng

- Biểu hiện: cá có những vết sùi tại vùng miệng

- Điều trị: cho cá dùng thuốc kháng sinh mua tại các cửa hàng thuốc thú y thủy sản.

Bệnh rung (bệnh vặn mình)

- Biểu hiện: cá chuyển động uốn lượn rất nhanh tại chỗ.

- Điều trị: điều chỉnh lại hệ thống tạo nhiệt lượng cho bể nuôi và đưa nhiệt độ trở về mức đúng cho nhu cầu của cá.

Bệnh phù thũng

- Biểu hiện: cơ thể cá phù lên ở một điểm kéo theo sự xù lên của các vảy.

- Điều trị: bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do bệnh có thể lây nên tốt nhất là nuôi riêng cá bệnh cho tới khi có dấu hiệu khỏi bệnh mới cho cá vào bể nuôi chung.

Bệnh thối vây, đuôi

- Biểu hiện: sự thoái hóa của các mô nằm giữa các tia của vây do sự nhiễm khuẩn thường xảy ra dễ dàng hơn nếu môi trường nước xấu.

- Điều trị: dùng kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá, đồng thời đảm bảo nước trong bể nuôi luôn sạch và luôn xem xét đến các điều kiện bảo quản và vận hành của bể.

Bệnh giun sán ở mang

- Biểu hiện: cá thở gấp, các mang há ra và bị sưng

- Điều trị: cho cá tắm trong các dung dịch pha loãng Formaldehyd 37% (0,25cc/lít) từ 45-50 phút và Aciflavin (10cc/lít). Lưu ý tiến hành thận trọng vì formol và aciflavin là chất độc.

Bệnh viêm mắt

- Biểu hiện: mắt cá bị mờ đục và u lồi.

- Điều trị: trị bệnh tương tự như bệnh nấm.

10 điều cần làm để phòng bệnh cho cá chép Nhật

  • Kiểm tra cá thật kỹ trước khi mua về. Không mua cá có màu sẫm quá, quá ốm, quá sợ sệt, có vây bị ăn mòn, bị xây xát trên thân, phân trắng.
  • Cá vừa mới mua về phải được cách ly tối thiểu 6 tuần.
  • Không bao giờ chuyển nước từ hồ cách ly vào trong hồ nuôi.
  • Không sử dụng bất kỳ dụng cụ hay trang thiết bị nào từ hồ cách ly cho những hồ khác mà không được sát trùng.
  • Cho cá ăn những khẩu phần khác nhau, chứa nhiều chất xơ.
  • Tạo cho cá môi trường sống tối ưu.
  • Không đưa cây thủy sinh vào hồ nếu cây đó trồng chung với cá.
  • Dành nhiều thời gian thường xuyên quan sát và chăm sóc cá.
  • Chỉ đưa cá về nhà sau khi đã chắc chắn là cá khỏe.
  • Cá có bệnh cần phải để trong hồ cách ly. Hồ cách ly phải được sát trùng thường xuyên.

Ưu điểm công nghệ

Tạo ra những dòng cá có phẩm chất mới lạ, độc đáo về hình dạng và màu sắc phong phú.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Hộ Ông Trần Minh Hiền - Địa chỉ: 13 C1, Khu phố 2, phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM - ĐT: (028) 37169655.

Hộ Ông Nguyễn Phúc Sơn - Địa chỉ: 258/1/12 Dương Quảng Hàm, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM - ĐT: (028) 39852441.

Hộ Ông Tống Hữu Châu - Địa chỉ: số 168/1, phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM - ĐT: (028) 38919520.

Hộ Ông Võ Văn Sanh - Địa chỉ: số 966 Bình Quới, Phường 28,quận Bình Thạnh - ĐT: (028) 38987528.

Hộ Ông Bùi Văn Phép - Địa chỉ: 80/H, Ấp Thái Bình, phường Long Bình, quận 9, TP.HCM - ĐT: (028) 37325416.