SpStinet - vwpChiTiet

 

Sự đụng chạm thường xuyên có thể làm giảm năng suất cây trồng

Một nghiên cứu do Đại học La Trobe (Úc) thực hiện đã phát hiện ra rằng thực vật cực kỳ nhạy cảm khi bị chạm vào. Nếu việc này lặp đi lặp lại, có thể làm chậm đáng kể sự tăng trưởng của cây.

Phát hiện (được công bố trên tạp chí The Plant) có thể mang đến những cách tiếp cận mới, giúp tối ưu hóa từ khả năng tăng trưởng và năng suất của cây trồng trên đồng ruộng, cho đến việc sản xuất rau quả thâm canh.

GS. Jim Whelan, giám đốc bộ phận nghiên cứu của Viện Nông nghiệp và Thực phẩm La Trobe và là người đứng đầu nghiên cứu cho biết, ngay cả chỉ với một cú chạm nhẹ nhất, phản ứng bảo vệ di truyền của cây cũng sẽ được kích hoạt. Và nếu việc này lặp đi lặp lại, sẽ làm chậm sự tăng trưởng của thực vật.

Whelan nói: "Những đụng chạm nhẹ nhất từ ​​người, động vật, côn trùng hay thậm chí là thực vật chạm vào nhau trong gió cũng là nguyên nhân gây ra các phản ứng gen lớn trong cây. Trong vòng 30 phút sau khi được chạm vào, 10% bộ gen của cây đã bị thay đổi. Điều này liên quan đến một khoản phí tổn năng lượng khổng lồ bị mất đi cho sự tăng trưởng của thực vật. Nếu sự đụng chạm được lặp đi lặp lại, thì sự tăng trưởng của thực vật sẽ giảm tới 30%."

Theo TS. Yan Wang, đồng tác giả của nghiên cứu, khi chúng ta chưa biết nguyên nhân tại sao thực vật có những phản ứng mạnh mẽ khi bị chạm vào, thì những phát hiện mới đã cung cấp nhiều sự hiểu biết sâu sắc hơn về các cơ chế bảo vệ di truyền liên quan, đồng thời mở ra các cách tiếp cận mới để giảm độ nhạy cảm và tối ưu hóa tăng trưởng cho cây trồng.

"Chúng tôi biết rằng khi một con côn trùng đậu trên cây, cây sẽ kích hoạt các gen để tự bảo vệ mình khỏi bị côn trùng gây hại. Tuy nhiên, nhiều lúc côn trùng cũng có lợi, vậy làm thế nào để thực vật phân biệt được giữa bạn và thù?” tiến sĩ Yang nói. "Tương tự như khi thực vật phát triển gần đến mức chúng chạm vào nhau, phản ứng bảo vệ khiến cây tăng trưởng chậm có thể tối ưu hóa việc tiếp cận với ánh sáng mặt trời. Vì vậy, để tối ưu tăng trưởng, mật độ trồng phải phù hợp với tài nguyên đầu vào."

GS. Whelan cho biết, với sự hiểu biết sâu sắc hơn về các cơ chế di truyền có liên quan, chúng ta có thể định danh và nhân giống đa dạng các giống cây trồng ít nhạy cảm trong khi vẫn giữ được độ nhạy với các yếu tố khác như lạnh và nóng.

Bước tiếp theo trong nghiên cứu sẽ là kiểm tra phản ứng của các loài cây hoa màu khi bị chạm vào và xem xét các hậu quả tiềm tàng của các giống cây trồng ít nhạy cảm.

GS. Whelan nói: "Do chúng ta không hiểu tại sao thực vật lại có những phản ứng phòng thủ mạnh mẽ như vậy khi bị chạm vào, nên trước khi tạo ra các giống ít nhạy cảm hơn, chúng ta cần tìm hiểu một số hậu quả có thể xảy đến, ví dụ như thực vật ít nhạy cảm có thể dễ bị bệnh hơn vì một cơ chế phòng thủ quan trọng đã bị loại bỏ?"

Các tin khác: