SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển thảo dược thành công ở Philippines

Thành công của mô hình cấp phép (license) công nghệ trong khuôn khổ một chương trình quốc gia đã góp phần đưa dược thảo truyền thống ra thị trường, giúp cắt giảm chi phí điều trị bệnh và phát triển mạnh công nghiệp thảo dược ở Philippines.

Chương trình quốc gia cho dược thảo

Sử dụng thảo dược được ghi nhận đã có từ lâu đời ở Philippines. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều loại cây thuốc đã bị lãng quên, nhất là ở các vùng đô thị.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines (Department of Science and Technology (DOST) of the Republic of the Philippines), Chương trình nghiên cứu tổng hợp cây dược liệu quốc gia (NIRPROMP - National Integrated Research Program on Medicinal Plants) được xây dựng vào năm 1974, với sự tham gia  chủ yếu của Đại học Philippines Manila (UPM - University of the Philippines Manila) và nhiều trường đại học khác, cùng các cơ quan nghiên cứu thuộc Chính phủ để xác định giá trị các thảo dược nội địa nhằm phát triển công nghiệp thảo dược của Philippines; đồng thời, tuyên truyền phổ biến và tổ chức đưa thảo dược có giá rẻ đến với công chúng. Kinh phí thực hiện chương trình do DOST tài trợ, cộng đồng và nền y tế công cộng sẽ hưởng lợi từ chương trình. 

Công nghiệp dược của Philippines khi đó chưa đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh trong xã hội, ngay cả với các bệnh thông thường như cảm lạnh, sốt và nhức đầu,…, hàng năm phải chi khoảng 150 triệu peso Philippines (PHP), tương đương 22 triệu USD để nhập khẩu thuốc. Các loại thuốc nhập khẩu quá đắt vượt khả năng chi trả của nhiều bệnh nhân, nên NIRPROMP ưu tiên việc làm giảm sự phụ thuộc thuốc nhập khẩu, phát triển thuốc từ thảo dược phù hợp điều kiện của đa số người dân. NIRPROMP tập trung vào nghiên cứu xác định các loại thảo dược cũng như các bệnh phổ biến; kỹ thuật trồng, nhân giống, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch; nghiên cứu dược chất, trích xuất các hoạt chất và nghiên cứu công thức thuốc cũng như tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Từ năm 1977 đến 1982, NIRPROMP triển khai khảo sát, nghiên cứu xác định các loại cây có tiềm năng điều trị bệnh. Việc khảo sát được thực hiện thông qua phỏng vấn 1.000 thầy thuốc thảo dược, nghiên cứu chi tiết các loại thảo dược họ sử dụng và tác dụng chữa bệnh. Trong 1.500 loại cây thuốc được nhận dạng, xác định được 480 loại chứa dược chất hữu ích. Trong khoảng 25 năm, NIRPROMP đã chi khoảng 85 triệu PHP cho nghiên cứu điều chế thảo dược và thử nghiệm lâm sàng từ 10 loại cây được xác định giàu tiềm năng.

10 loại thảo dược tiềm năng do NIRPROMP xác định

STT

Tên khoa học

Tên

Philippines

Tên

Việt Nam

Hình

1

Vitex negundo

Lagundi

Ngũ trảo

2

Blumea balsamifera

Sambong

Đại bi hay từ bi xanh

3

Mentha cordifolia

Yerba Buena

Bạc hà

4

Carmona retusa

Tsaang Gubat

Bùm sụm hay cùm rụm

5

Momordica charantia

Ampalaya

Khổ qua

6

Quisqualis indica

Niyog-niyugan

Sử quân tử hay dây giun

7

Psidium guajava

Bayabas

Ổi

8

Cassia alata

Akapulko

Muồng trâu

9

Allium sativumm

Ulasimang Bato hay Bawang

Tỏi

10

Peperomia pellucida

Pansit-pansitan

Rau càng cua

Nguồn: Atty. Elizabeth R. Pulumbarit, Commercialization of medicinal plant products: a success story?

Quản lý IP và chuyển giao công nghệ

NIRPROMP thực hiện R&D và thử nghiệm lâm sàng các loại thảo dược do DOST tài trợ kinh phí, nên các tài sản trí tuệ (IP-Intellectual Property) có được từ chương trình này thuộc về DOST. Đơn vị chịu trách nhiệm thương mại hóa IP là Hội đồng Nghiên cứu và phát triển y tế Philippines (PCHRD-Philippine Council for Health Research and Development).

PCHRD tổ chức giới thiệu các loại dược thảo đã được nghiên cứu thành công để thu hút sự quan tâm của các công ty dược. Kết quả, nhiều thỏa thuận cấp phép không độc quyền được ký kết. Trong thỏa thuận cấp phép này, phí cấp phép công nghệ được trả trước một lần, tiền bản quyền sẽ được thanh toán theo tổng doanh thu không tính thuế giá trị gia tăng và chiết khấu cho chuỗi cửa hàng dược. Tất cả phí chuyển giao và tiền bản quyền thuộc về DOST.

Các công nghệ đã được cấp phép chuyển giao là thuốc viên lagundi (Lagundi tablet), sirô lagundi cho trẻ em (Lagundi pediatric syrup), viên sambong (Sambong tablet), dung dịch Akapulko (Akapulko lotion). Đơn vị được cấp phép có trách nhiệm đăng ký sản phẩm của mình với Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Philippines (Philippine Food and Drug Administration), hiện là Văn phòng Thuốc và Thực phẩm (Bureau of Food and Drugs). Phần quan trọng trong thỏa thuận cấp phép là điều khoản về các kết quả nghiên cứu lâm sàng xác minh tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Thiếu điều khoản này, thuốc sẽ không được bán ra, theo luật của Philippines. Các sáng chế về thảo dược của NIRPROMP được chuyển giao qua thỏa thuận cấp phép với các đơn vị tư nhân như: Herbafarm (1994), Pascual Laboratories (1996), Herbs and Nature Corporation (2009), New Market Link Pharmaceutical Corporation (2010) và United Laboratories (RiteMed) (2011).

Năm 2009, Philippines ban hành luật về chuyển giao công nghệ (The Philippine Technology Transfer Act of 2009 (RA 10055)). Theo đó, các công nghệ được phát triển từ nguồn kinh phí nhà nước phải chuyển giao cho các trường đại học, hay các doanh nghiệp có thể biến công nghệ thành các sản phẩm và dịch vụ hữu ích. Mục tiêu của luật này là thúc đẩy chuyển giao, phổ biến và sử dụng hiệu quả IP; quản lý và thương mại hóa IP, công nghệ và tri thức là kết quả hoạt động R&D từ nguồn kinh phí nhà nước để tạo ra lợi ích cho nền kinh tế quốc gia và người dân Philippines. Theo chính sách mới này, PCHRD chính thức chuyển giao cho UPM quản lý và thương mại các IP của NIRPROMP. UPM hoạt động chuyên sâu về R&D, các hoạt động thương mại hóa và cấp phép chuyển giao công nghệ. Azarias Pharmaceutical Laboratories, Inc. là công ty đầu tiên nhận cấp phép công nghệ lagundi từ UPM vào năm 2011, sau khi Luật RA 10055 được thông qua.

Kinh doanh thảo dược gặp không ít khó khăn, do thời gian đầu, các chuyên gia dược và một bộ phận trong cộng đồng không tin thảo dược có thể chữa bệnh một cách hiệu quả. Để phản bác quan điểm này, các đơn vị liên quan đã thực hiện chiến dịch tiếp thị để cải thiện nhận thức về tác dụng điều trị bệnh bằng thảo dược, đẩy mạnh đưa dược thảo đến các y-bác sĩ trực tiếp điều trị, nhất là tại các điểm chăm sóc sức khỏe địa phương (Rural Health Units), do Chính phủ tài trợ ở nông thôn. Nhờ vậy, đã mở rộng việc sử dụng thảo dược. Năm 1997, Pascual Laboratories giới thiệu thảo dược đến Triển lãm Quốc tế về sản phẩm mới ở Geneva, Thụy Sỹ, và nhận được chứng nhận bạc về R&D, góp thêm phần khẳng định hiệu quả của thảo dược, hỗ trợ nâng cao nhận thức và giới thiệu rộng rãi sản phẩm, tác động chuyển đổi ý kiến của các chuyên gia dược, cũng như phá vỡ các hoài nghi của người tiêu dùng. Đồng thời, Pascual và các công ty dược khác đã tích cực quảng cáo trên truyền hình, sóng phát thanh và các bảng quảng cáo cũng góp phần đưa thảo dược ra thị trường thành công, thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất vào việc cấp phép công nghệ thảo dược.

Ngoài cung cấp dược thảo điều trị bệnh với giá rẻ và phát triển công nghiệp thảo dược thành công, NIRPROMP đã tạo ra nhiều lợi nhuận cho nông dân trồng và bán cây thuốc cho nhà sản xuất. Cụ thể, với sự giúp đỡ của một tổ chức phi chính phủ, người nông dân vùng Tây Nam đảo Palawa có được thỏa thuận với Pascual về cung cấp cây lagundi nguyên liệu để sản xuất thuốc. Theo thỏa thuận, Pascual cho nông dân vay vốn trang bị máy sấy khô và máy nghiền sử dụng năng lượng mặt trời để sản xuất bột lagundi. Nhờ đó, nông dân gia tăng năng lực chế biến và sản xuất nhiều lagundi hơn trước. Trong vòng hai năm, nông dân trả được khoản vay từ Pascual và trở thành nhà cung cấp nguồn nguyên liệu lagundi quan trọng, cải thiện đời sống.
 

Một số thành quả của NIRPROMP

Các sáng chế được cấp bằng:

  • Sáng chế số 1-1997-57575: Thuốc viên sambong: thành phần thảo dược và cách sử dụng chúng (Sambong tablet: Herbal composition and uses thereof), là loại thuốc lợi tiểu và làm phân rã sạn thận.
  • Sáng chế số 2-1999-00164: Sirô lagundi cho trẻ em, thành phần thảo dược trong sirô chứa là hoạt chất ( pediatric syrup, herbal pharmaceutical composition in syrup form containing lagundi as the active ingredient).
  • Sáng chế số 2-2003-000427: Thuốc viên bạc hà giảm đau (Yerba buena tablet as analgesic).
  • Sáng chế số 2-1995-15504: Dung dịch diệt muỗi từ lá cây mảng cầu (Atis), cách trích ly và cải thiện thành phần diệt muỗi(Atis lotion as mosquito repellent lotion from the leaves of atis, process of extraction & improved repellent composition).

Các sáng chế đã nộp đơn:

  • Thuốc viên Ampalaya trị bệnh tiểu đường loại 2 (Ampalaya tablet for type 2 diabetes mellitus).
  • Tsaang Gubat chống đầy hơi (Tsaang gubat as anti-colic).

Các công nghệ được bảo vệ dưới dạng bí quyết

  • Thuốc thoa ngoài da trị nấm từ Akapulko.
  • Thuốc viên lagundi trị ho và hen suyễn.

Kết quả chuyển giao công nghệ giai đoạn 1995-2010 (DOST-PCHRD)

  • Số lượng cấp phép: 24 
  • Số đơn vị được cấp phép: 8
  • Số lượng công nghệ cấp phép: 5
  • Số lượng cấp phép lại: 7

Kết quả của Pascual Laboratories, công ty tiên phong nhận cấp phép, chấp nhận mạo hiểm, giờ đang dẫn đầu thị trường dược thảo Philippines:

  • Nhận cấp phép công nghệ: Lagundi tablet, Lagundi pediatric syrup, Sambong tablet, Akapulko lotion
  • Các nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký: Ascof Lagundi (thuốc trị ho từ lagundi), ReLeaf  (thuốc trị sạn thận từ sambong).
  • Sản phẩm phái sinh sau khi nhận cấp phép: sirô lagundi hương chuối và hương dâu cho trẻ em.
  • Chi trả phí cấp phép và phí bản quyền cho công nghệ lagundi và sambong vào năm đầu tiên 1997 là 164.018 PHP, tăng lên 13.856.915 PHP năm 2010, tổng cộng giai đoạn 1997-2010 là 50.046.894 PHP.

Nguồn: Atty. Elizabeth R. Pulumbarit, Commercialization of medicinal plant products: a success story?  

Anh Vũ (CESTI)

Các tin khác: