Thách thức lớn nhất trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay là chất lượng tăng trưởng thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, dẫn đến nguy cơ kéo dài tình trạng tụt hậu của đất nước so với các nước trong khu vực và khó có thể thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Điều đó đòi hỏi KHCN phải đóng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Và mục tiêu của Việt Nam là giai đoạn 2011 - 2015 trở thành nước công nghiệp trung bình theo hướng hiện đại…
Để thực hiện được mục tiêu đề ra trên, ông Quốc đã đưa ra một số bài học từ Trung Quốc, Hàn Quốc để rút kinh nghiệm cho Việt Nam. Đó là: bài học về hợp tác công, tư; bài học xây dựng thể chế phối hợp giữa trường, viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm và công nghiệp dựa trên nguyên tắc thị trường; bài học về định hướng đầu tư phát triển, lấy doanh nghiệp làm trung tâm…
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đều cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có những sản phẩm cao do tự mình làm ra mà mới chỉ là gia công cho các sản phẩm của nước ngoài. Nếu không xác định và tập trung vào phát triển một số sản phẩm mũi nhọn thì đến 2015 chưa chắc Việt Nam đạt được những mục tiêu KHCN đề ra.
Theo PGS TS Bùi Nguyên Hùng, Khoa Quản lý công nghệ, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM thì nên phân ngành ưu tiên để phát triển trong 5 - 10 năm tới. Và các ngành trọng điểm nên ưu tiên nghiên cứu trước là: ngành cơ khí, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ, mô tơ máy phát, biến thế điện, thiết bị điện…; ngành hoá chất và hoá dược, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu, hoá chất tinh vi…; ngành điện tử, CNTT, phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi máy tính, sản xuất linh kiện điện tử dân dụng; thiết bị truyền thông.
OV (theo PCWorld)