Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Mục tiêu của Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016–2020 đã xác định nâng cao khả năng cạnh của sản phẩm hoa, cây kiểng, phát triển du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập của người dân và chất lượng sống của người dân Thành phố.
Lan Mokara là giống lan chủ lực cắt cành được chọn ưu tiên đưa vào các vùng đang xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn TP.HCM. Diện tích trồng hoa lan của TP.HCM trong năm 2017 đạt 359 ha. Hiện nay, lan Mokara đang chiếm đến 70% thị trường hoa lan cắt cành.
Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện
Thiết kế nhà lưới trồng lan
- Khung nhà lưới: Tùy theo quy mô trồng mà diện tích nhà lưới có thể khác nhau. Nhà lưới có chiều cao từ 3,5-4,0 m là phù hợp, vừa chống chịu được giông, gió tại khu vực trồng, vừa đảm bảo được sự thông thoáng che mát cho giống Mokara phát triển. Trụ nhà lưới có thể làm bằng trụ bê tông (kích thước 15x15 cm hoặc 20x20 cm) hoặc bằng sắt có tráng kẽm (ɸ 90x3,5 mm). Chiều cao trụ từ 3,5–4,0 m sau khi đã trừ phần trụ chôn xuống dưới đất.
Lưới che mát dùng cho nhà lưới trồng lan Mokara nên sử dụng loại lưới che 50% ánh sáng. Màu sắc lưới nên dùng loại xanh đen là phù hợp. Lưới che nên căng dọc chiều dài của luống trồng và đảm bảo hướng tốt nhất là theo hướng Đông - Tây để tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây lan.
- Luống trồng: Luống trồng làm thành khung hình chữ nhật để cho vỏ đậu vào không bị trôi chảy. Luống trồng được xây bằng gạch nung, cao khoảng 20 cm, chiều rộng luống 0,9-1,2 m, chiều dài tùy theo vườn nhưng nếu luống dài quá sẽ gây khó khăn cho việc đi lại chăm sóc. Lối đi giữa 2 luống 0,6 m. Bề mặt luống trồng được san bằng phẳng, làm sạch cỏ. Nếu có sử dụng thuốc trừ cỏ thì phải phun trước đó tối thiểu 1 tháng. Trên mặt luống rải một lớp cát dày khoảng 10cm để rút nước. Trước khi trồng 3-5 ngày, đổ vỏ đậu phộng đã được xử vào luống, dày tối thiểu 15-20 cm, dùng tay hoặc cây để san đều mặt luống. Tuyệt đối không dùng chân hoặc đầm nén để ém chặt vỏ đậu phộng.
- Xử lý giá thể: Vỏ đậu phộng là giá thể tốt nhất so với xơ dừa, vỏ trấu và các loại khác. Vỏ đậu phộng sử dụng làm giá thể là loại khô, được phơi ngoài trời nắng tối thiểu 1-1,5 tháng để giảm độ ẩm, cũng như giảm sự tăng nhiệt độ của đống vỏ đậu đã đánh đống. Do vỏ đậu phộng mới thường phát sinh côn trùng gây ngứa cho người trồng nên cần phun ngừa một số loại thuốc trừ sâu thông thường để giảm bớt mật độ.
Thời vụ trồng
Lan Mokara thuộc nhóm ưa nóng và ưa sáng. Nhiệt độ thích hợp từ 25-350C. Đối với khu vực phía Nam, cây lan Mokara có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thích hợp nhất vẫn nên trồng vào thời điểm bắt đầu mùa mưa (từ tháng 5-11), khi nhiệt độ ngoài trời giảm, ẩm độ không khí cao, cây nhanh phục hồi và ra rễ sớm. Thời điểm cuối mùa mưa, khi thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, vào ban đêm (khoảng tháng 11-12 Dương lịch) nhiệt độ xuống thấp dễ gây hiện tượng vàng lá, tuột lá chân trên cây lan, do đó không nên xuống giống vào thời điểm này.
Chọn giống
Nên chọn các giống hoa Mokara với các tiêu chí sau: hoa đẹp, cánh to, nhiều hoa trên một cành hoa, màu sắc rực rỡ; Cây siêng ra hoa, liên tục quanh năm, cho tối thiểu 6-8 phát hoa/năm; Phát hoa dài, có thể chia nhánh; Cây phát triển mạnh về chiều cao, lá dài nhưng không bó chặt vào thân. Cây ra rễ nhiều và nhanh; Ít bị nhiễm sâu bệnh.
Cây giống cao từ 30-40 cm, có từ 2-3 rễ chính. Tùy theo nhu cầu thị trường để chọn màu hoa cho phù hợp.
Một số giống lan Mokara đang được thị trường ưa chuộng: M. Dinah Shore, M. Dear Heart, M. Chark Wan Orange; M. Chao Praya Gold; M. Luen Berger Gold, M. Luen New; M. Full Moon, M. Boonchoo Gold, M. Kitti số 2, M. Pink Spots.
Cây giống đem về được sắp xếp vào chỗ mát 1-2 ngày. Tiến hành xử lý ngừa bệnh bằng cách nhúng cho ướt toàn bộ cây giống trong thùng có pha thuốc trừ bệnh Aliette 80WG, nồng độ 1g/L. Lấy ra để khô ráo bằng cách treo ngược hom giống lên, ngọn hướng xuống dưới. Ngày hôm sau đem trồng ngay.
Khoảng cách và mật độ trồng
Tùy theo đặc điểm của giống, khoảng cách giữa 2 cây dao động từ 30-45cm, hàng cách hàng 25-30cm. Phải giữ cây lan Mokara luôn thăng bằng bằng cách buộc 2 đầu cây vào dây cáp hoặc dùng cây tre nhỏ buộc cây vào trước khi buộc vào dây cáp. Lưu ý đặt gốc lan cách vỏ đậu từ 5-10 cm. Dùng dây kẽm mềm có bọc nhựa buộc chặt cây vào dây cáp hoặc ống nước (cây tầm vông) để giữ cây không bị ngã đổ khi tưới nước. Khi trồng đầu lá của cây này chạm vào đầu lá của cây kia, trồng theo kiểu so le để cây không bị che nắng lẫn nhau.
Mật độ trồng theo khoảng cách trồng dao động từ 3.800-4.000 cây/1.000 m2 nhà lưới.
Tưới nước
Độ pH nước thích hợp với lan Mokara từ 6,0-7,0. Đối với các vùng có chất lượng nước ngầm tốt, nhà vườn có thể sử dụng nước không qua xử lý để tưới thẳng cho lan.
Hàng ngày, tưới nước hai lần vào buổi sáng kết thúc trước 9 giờ sáng và buổi chiều vào lúc 4-5 giờ chiều. Do Mokara cần độ ẩm cao nên mùa khô tăng cường tưới nước để tránh hiện tượng rụng lá và giảm cường độ quang hợp. Mùa mưa hạn chế tưới nước, để tránh cây bị thối rễ, nấm bệnh dễ phát sinh.Vào những thời điểm ban đêm có sương mù hoặc lạnh, việc tưới sớm vào buổi sáng có thể giảm bớt được hiện tượng phát sinh bệnh trên lá do độ ẩm cao.
Phân bón
Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lan Mokara mà chế độ phân bón được điều chỉnh cho phù hợp. Phân bón cho cây lan Mokara về cơ bản chia theo 03 giai đoạn:
+ Giai đoạn lan phục hồi và ra rễ non: Sau khi xuống giống, cây lan còn yếu, bộ rễ chưa phát triển nên cần sử dụng phân bón lá có hàm lượng đạm cao nên kết hợp với chất kích thích ra rễ để tăng cường khả năng ra rễ và phát triển thân lá.
Lần lượt, luân phiên sử dụng các loại phân bón như sau: NPK 30-10-10 ® 30-10-10 ® NPK 20-20-20 ® Phân bón lá Bio trùn quế 01 (Bio 01). Có thể thay thế Bio 01 bằng Bio 02 cho lượt phun sau. Liều lượng sử dụng 1-1.5gr /lít. Đồng thời kết hợp luân phiên với chất kích thích ra rễ (TeraSorb 4, Vitamin B1, Rootplex…), liều lượng 1-1.5 ml/1lít nước trong mỗi lần phun phân. Định kỳ phun 3-4 ngày/lần.
+ Giai đoạn sinh trưởng (sau trồng 6 tháng – bắt đầu ra hoa): Khi cây lan đã khỏe, ra rễ nhiều có thể kết hợp sử dụng luân phiên phân bón có tỷ lệ đạm cao cùng với phân bón có hàm lượng N-P-K bằng nhau để cây phát triển cân đối.
Lần lượt, luân phiên sử dụng các loại phân bón như sau: NPK 20-20-20 ® 20-20-20 ® 6-30-30 ®10-55-10 ®Bio 03(hoặc Bio 04). Liều lượng phun theo khuyến cáo trên bao bì. Kết hợp cùng một số chất kích thích tăng trưởng như TeraSorb 4, TeraSorb Folia, Vitamin B1, Rootplex. Định kỳ phun 3-4 ngày/lần.
+ Giai đoạn ra hoa: sử dụng phân bón có hàm lượng đạm thấp, lân và kali cao để kích thích ra hoa. Sau khi cây ra hoa, phun luân phiên cùng phân bón có hàm lượng N-P-K bằng nhau để hoa nở đẹp, tuổi thọ hoa dài.
Sau mỗi đợt cắt hoa, cần phải bổ sung phân bón có hàm lượng đạm cao để cây tập trung ra hoa đợt kế tiếp.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm phân bón gốc hữu cơ Dynamic Lifter (liều lượng 10g/ cây) hoặc NPK chậm tan 14–14–14 (liều lượng 3g/ cây) + phân hữu cơ Dynamic Liter (liều lượng 10g/ cây); định kỳ 3 tháng bón một lần sẽ làm cây tăng trưởng nhanh, tăng số lượng phát hoa và tăng chiều dài phát hoa.
Phòng trừ bệnh hại
Thường xuyên vệ sinh vườn lan sạch sẽ, thông thoáng, loại bỏ lá bị bệnh, nụ hoa bị sâu cắn phá. Xung quanh vườn không để nhiều cây cối rậm rạp, sẽ tạo nơi ẩn náu cho côn trùng gây hại. Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ cho vườn lan 7-10 ngày/lần.
Một số loại bệnh hại phổ biến trong vườn lan Mokara như bệnh thối nhũn do vi khuẩn, bệnh đốm đen, bệnh khô đầu lá do nấm. Cần bón phân cân đối, giảm bớt nước tưới, không tưới nước đẫm thẳng lên ngọn cây lan. Dùng kéo đã khử trùng cắt bỏ phần lá bị bệnh. Khi bị nặng thì phun thuốc phòng trừ bệnh như Kasumil 2L + Ridomil Gold 68WG (thối nhũn); Dipomate 80WP + Carbendazim 500FL (đốm đen); Ridomil Gold 68WG (khô đầu lá). Liều lượng phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Bảo quản sau thu hoạch
Cắt hoa vào buổi sáng sớm, dùng kéo sạch đã khử trùng cắt sát gốc phát hoa, phần tiếp giáp với nách lá. Chỉ cắt những phát hoa có 2/3 số hoa nở tính trên tổng số hoa và nụ của phát hoa đó. Sau khi cắt hoa, để khô nước, phân loại và dùng giấy báo gói lại hoặc bọc vào nilong để vận chuyển đi tiêu thụ.
Nhân giống cải tiến bằng phương pháp cắt đọt
- Tiêu chuẩn chọn cây nhân giống
Cây được chọn phải sinh trưởng phát triển tốt, số lượng rễ trên thân nhiều, rễ khỏe, đầu rễ non có màu xanh nhạt, thân rễ màu trắng. Bộ lá xanh tốt, các lá già ít vết bệnh.
Cây mẹ tối thiểu phải trồng được khoảng 1,5-2 năm tuổi thì cây mới đủ sức phát triển tốt về chiều cao. Sau khi cắt đọt, phần gốc còn lại của cây mẹ vẫn còn nhiều lá xanh và rễ, tối thiểu chiều cao còn lại của gốc phải là 50–60 cm. Khi đó cây mới có đủ sức ra chồi tiếp.
- Xử lý cây mẹ trước khi cắt đọt
Trước khi xử lý cắt đọt khoảng 1 tháng, nên bổ sung loại phân bón có hàm lượng lân, ka li cao để kích thích ra rễ và làm cứng cây nhằm hạn chế nấm bệnh xâm nhập (NPK 25-10-17, phân bón lá Bio trùng quế 02, rong biển). Phun liên tục các loại phân trên, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày.
- Cắt đọt và xử lý sau khi cắt đọt
- Vị trí cắt đọt được tính từ đỉnh sinh trưởng của cây mẹ xuống khoảng 35–40 cm. Đảm bảo sau khi cắt đọt, hom giống có chiều dài tối thiểu 35–40 cm, có từ 2–3 rễ.
- Đọt giống sau khi trồng được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật trồng lan Mokara.
- Đối với cây mẹ, sau khi cắt đọt, chế độ dinh dưỡng cần tăng cường loại phân có hàm lượng đạm cao để cây nhanh phục hồi và phát sinh chồi con. Phun theo quy trình NPK 31-11-11 (2 g/L) à Rong biển + Bio Trùn quế 01 (2 ml/L) à NPK 31-11-11 (2 g/L) à Tera Sorb 4 (2 ml/L) + Bio Trùn quế 01(2 ml/L). Quy trình được lặp lại cho lần phun kế tiếp.
Sau khi cắt hom 1 tháng, cây mẹ sẽ nảy ra 3-5 chồi và sau 4- 6 tháng chồi con đạt kích thước 20-30 cm, có 1-2 rễ đủ tiêu chuẩn tiếp tục cắt nhân giống. Không nên để chồi con trên cây mẹ quá lâu, sẽ làm mất sức cây mẹ.
Muốn khai thác hoa trên cây mẹ, nên để lại một chồi con trên cùng và tiếp tục chăm sóc bình thường.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
- Quy trình kỹ thuật sản xuất lan Mokara có tính thực tiễn, giúp nâng cao năng suất, chất lượng hoa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà vườn trồng hoa lan.
-Thời gian thu hoạch hoa khoảng 8 tháng sau khi trồng. Từ năm thứ 2 có thể nhân giống và bán chồi.
-Tận dụng đất vườn trống và công lao động nhàn rỗi.
Hiệu quả kinh tế
Chi phí đầu tư:
- Xây dựng nhà lưới 1.000m2: 250 triệu
- Hệ thống tưới phun: 25 triệu
- Chi phí cây giống:220 triệu
- Vật tư, nguyên liệu 1 năm: 36 triệu
- Công lao động 1 năm: 36 triệu
Lãi trung bình, tính từ năm thứ 3 trở đi là 200 triệu đồng/1.000m2/năm. Nếu chăm sóc tốt, vườn cho thu hoạch trong khoảng thời gian 5-6 năm tính từ ngày trồng.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Phòng Thực nghiệm Cây trồng – Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM
2374 QL 1A, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM
Email: tncaytrong@gmail.com