Hội thảo “Xây dựng xã hội cacbon thấp ở Việt Nam”
27/03/2013
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 23/3/2013, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại học Tokyo Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Xây dựng xã hội cacbon thấp ở Việt Nam” với mong muốn tìm hiểu được sự mong đợi, nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là những nhà quản lý môi trường về “xã hội cacbon thấp” và hành động cần thiết để xây dựng “xã hội cacbon thấp ở Việt Nam” cho đến năm 2050.
Tham dự Hội thảo có 40 đại biểu đến từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Văn phòng Tổng cục Môi trường Việt Nam cùng các cơ quan, tổ chức, trung tâm khoa học, công nghệ và môi trường, đặc biệt là sự góp mặt của các giáo sư và cán bộ dự án đến từ Đại học Tokyo và tổ chức JICA, Nhật Bản.
Mục đích của Hội thảo là nhằm xây dựng được kịch bản hợp lý cho Việt Nam, trong đó minh họa đầy đủ các khía cạnh xã hội, kinh tế và chính trị mà có thể xảy ra trong xã hội các bon thấp 2050 thông qua: tìm hiểu nhận thức, quan niệm, ước muốn về xã hội trong tương lai; thu nhận những đề xuất về các hành động cần làm nhằm xây dựng xã hội các bon thấp; nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống nhằm hướng tới xã hội các bon thấp.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Khoa Địa chất, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: căn cứ vào GDP thì Việt Nam là nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp nên không thuộc nhóm nước phải cam kết cắt giảm khí nhà kính ra môi trường. Nhưng xét về lợi ích lâu dài, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, xác định phương pháp phát triển ngành công nghiệp các bon thấp, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với 3 mục tiêu: Xóa đói giảm nghèo, giảm phát thải và đối phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là nội dung nghiên cứu của dự án “Xây dựng xã hội cacbon thấp ở Việt Nam”.
Nội dung của Hội thảo là tập trung tìm hiểu nhận thức của các nhà quản lý về xã hội các bon thấp và các đề xuất về mặt quản lý nhằm đưa Việt Nam tiến đến xã hội các bon thấp ở Việt Nam vào năm 2050, vì vậy, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những giả định, mong muốn cùng với các thay đổi về mặt quản lý, đặt thời điểm cho các hành động nhằm hướng tới một xã hội carbon thấp ở Việt Nam vào năm 2050 theo năm vấn đề: (1) Công nghiệp và năng lượng; (2) Nông, lâm, ngư nghiệp; (3) Giao thông vận tải; (4) Đời sống đô thị và nông thôn và (5) Thương mại và dịch vụ.
Nguồn: NASATI