SpStinet - vwpChiTiet

 

Biến thảm cũ thành xe đạp

Một công ty ở New Zealand đã phát triển công nghệ tái chế thảm cũ thành xe đạp cho trẻ em.

Các tấm thảm thường rất khó tái chế bởi chúng cồng kềnh và được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, do đó thường tạo thành lượng phế thải lớn. Tổ chức Carpet America Recovery Effort (Care) ước lượng mỗi năm có khoảng 5 tỷ pound (khoảng 2 triệu tấn) thảm bị đưa ra bãi rác, tức là gần như trung bình cứ 1 người trên trái đất đào thải 1/2 kg thảm/năm.

Cặp vợ chồng người New Zealand Jenny và Rich McIver vừa tìm ra cách tái chế thảm cũ độc đáo: biến chúng thành xe đạp cho trẻ em. Sở hữu công ty thiết kế vật dụng Wishbone Design, họ đã cùng nhau phát triển một công nghệ mới cho phép biến các tấm thảm thành những hình ống rắn chắc và từ đó cấu thành nên xe đạp cho trẻ em. Không chỉ vậy, loại xe đạp làm từ thảm tái chế này còn có thể được nới to ra khi trẻ lớn lên, từ đó giúp giảm hơn nữa lượng phế thải.

McIver giải thích, sợi thảm nylon được cạo ra từ mặt bồi sau của tấm thảm, sau đó cả phần sợi nylon và phần mặt bồi làm từ polypropylene được tái chế riêng rẽ theo một quy trình độc quyền của công ty. Quá trình này bao gồm việc xé nhỏ, giặt và xử lý nhiệt các chất liệu thô thành dạng lỏng. Sau đó họ cho thêm sợi thủy tinh để làm tăng độ cứng và khả năng chịu lực.

Kết quả tạo thành những viên chất dẻo tổng hợp có thể được ép phun (injection- moulding) định hình các sản phẩm chắc chắn. Đây là loại xe đạp đầu tiên được sản xuất sử dụng phương pháp ép phun, có độ cứng vững cao.

Hai vợ chồng đã dành gần ba năm để thiết kế, phát triển công nghệ và bắt đầu sản xuất hàng loạt loại xe đạp hoàn toàn sử dụng nguyên liệu tái chế này từ năm ngoái. Được biết, người tiêu dùng đặc biệt thích thiết kế đẹp mắt của xe và phần khung có thể điều chỉnh được để vừa cho trẻ từ 12 tháng đến 6 tuổi.

Tiếp tục theo đuổi công việc của mình, năm nay Recycled Edition Wishbone Bike sẽ tung ra thị trường một mô hình xe đạp mới, sử dụng cả nylon và polypropylene tái chế. Họ cũng đang thiết kế một loại xe đạp tái chế lớn hơn để phục vụ cho nhu cầu đi xe đạp đang trở nên phổ biến trong xã hội.

Tái chế thảm- công việc tốn kém

Nhưng tái chế thành xe đạp không phải là cách duy nhất để tận dụng thảm cũ. Ở Mỹ, ngành tái chế thảm đang tiến bộ nhanh chóng. Nhờ vào Care- một chương trình hợp tác giữa chính phủ và các công ty tư nhân, giờ đây khoảng 30% thảm cũ được tái chế thành sợi làm thảm, phần bồi, thảm mới, gối đệm, và chất tổng hợp nhân tạo. Theo báo cáo của Care, năm 2012 có 1,6 triệu tấn thảm đã được tái chế, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, ở Hà Lan, công ty khổng lồ về thảm Desso có một cách tiếp cận khác trong việc tái chế thảm. Hợp tác với các công ty cung cấp nước uống ở Hà Lan, Desso đã phát triển một công nghệ tiên phong, chiết xuất đá phấn từ nước để dùng làm chất ổn định trong lớp bồi sau thảm. Tấm bồi phía sau của thảm EcoBase của Desso chứa 50% nguyên liệu tái chế và có thể được tái chế tiếp trong chính quy trình sản xuất của Desso. Giám đốc truyền thông của Desso cho biết, những tấm bồi thông thường được làm từ các chất liệu còn cặn dầu, nhưng chất liệu này thường không dễ tái chế do kết cấu chất liệu không đồng nhất. Khi tháo dỡ các tấm thảm, điều mấu chốt là phải thu lại được những chất liệu thuần chất, như thế việc tái chế mới khả thi về tính kinh tế.

Vấn đề là việc tái chế thảm thường rất tốn kém. Care cảnh báo rằng những người muốn tái chế thảm không thể cứ vứt thảm trước cửa nhà để cơ sở tái chế đi thu thập được. Việc vận chuyển thảm và cả quá trình tách riêng các thành phần cấu thành đều rất đắt đỏ. Nếu thảm Desso và xe đạp Wishbone muốn trở nên phổ biến thì người tiêu dùng phải sẵn sàng trả tiền vận chuyển thảm cũ của họ đi đến nơi tái chế thay vì làm một động tác đơn giản hơn nhiều là ném chúng vào thùng rác.

Trong khi tỉ lệ tái chế ngày nay đã đạt những mức ấn tượng: 63% ở Áo, 62% ở Đức và 58% ở Bỉ, mức tái chế trung bình ở Châu Âu vẫn chỉ đạt 39%. Nếu các nước thành viên khác cũng đạt được mức 50% đề ra cho năm 2020 thì họ sẽ có khả năng điều phối việc tái chế thảm cũ dễ dàng hơn.
Theo Tiasang

Các tin khác: