SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình nhân giống in vitro cây Cam thảo bắc

Quy trình thực hiện nhân giống in vitro cây Cam thảo bắc (Glycyrrhiza glabra L.) từ hạt đến giai đoạn tạo thành cây in vitro với hệ số nhân giống cao, đáp ứng yêu cầu nhân nhanh và hiệu quả phục vụ sản xuất và chuyển giao công nghệ.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Cam thảo bắc được sử dụng rộng rãi, có mặt trong nhiều bài thuốc Đông y có tác dụng giải độc, chỉ khái, hóa đàm, chống co thắt cơ trơn, bảo vệ da, gan, hỗ trợ chống ung thư, trị viêm loét, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus,…Cam thảo bắc được sử dụng trong một số chế phẩm điều trị như: thuốc chữa ho, thuốc chữa loét dạ dày và ruột, thường hay phối hợp với bismuth nitrat kiềm, magiesium carbonat, calci carbonat, bột vỏ Rhamnus (hoặc đại hoàng), có acid glycyrrhetic nên được dùng làm thuốc chống viêm tại chỗ, dùng làm tá dược điều vị để làm mất các vị khó uống trong các chế phẩm. Cam thảo bắc có thị trường tiêu thụ rộng lớn, với giá trị trường dao động trong khoảng 200.000-300.000 đồng/kg rễ khô (tỉ lệ tươi : khô là 2,5:1); 9,5 triệu đồng/kg hạt giống nhưng cũng rất ít nơi cung cấp cây giống.

Phương pháp trồng cam thảo bắc từ hạt cho hiệu quả tương đối thấp, sau 5 năm mới thu hoạch; chất lượng hạt giống trên thị trường hiện tại không đồng đều, khó kiểm soát chất lượng cây con; hom giống thực hiện mất nhiều thời gian, phải lấy từ cây mẹ 3–4 tuổi, lấy hom kết hợp với thu hoạch ảnh hưởng đến chất lượng rễ thu hoạch. Vì vậy, giải pháp vi nhân giống, với những ưu thế như: nhân nhanh số lượng lớn, kiểm soát được mẫu cây ban đầu, cây giống đồng đều, sạch bệnh, là lựa chọn thích hợp để nhân giống loài cây này, thay thế các biện pháp truyền thống và cho hiệu quả kinh tế hơn.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình nhân giống in vitro cây Cam thảo bắc từ hạt

Diễn giải quy trình:

Bước 1: Khử trùng, gieo hạt

Hạt giống cam thảo bắc sau khi khử trùng sơ bộ bằng xà phòng và rửa dưới vòi nước sạch, được khử trùng bằng cồn 700 trong 30 giây, sau đó lắc 15 phút trong dung dịch sodium hypoclorite 2,5% và Tween 20, rửa lại bằng nước cất tiệt trùng 3-5 lần. Mẫu sau khi được khử trùng sẽ cấy trên môi trường MS (Murashige và Skoog, 1962). Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sang 12h, cường độ chiếu sáng 2000 lux.

Bước 2: Nuôi cấy tạo nguồn mẫu ban đầu

Cây cam thảo bắc in vitro nảy mầm từ hạt 1 tháng tuổi sẽ được cắt thành những đoạn thân mang chồi ngủ và đặt trên môi trường MS + 1 mg/L BA. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12h, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

Bước 3: Nhân nhanh, tạo cụm chồi

Chồi cam thảo bắc in vitro được chuyển qua môi trường nhân nhanh, tạo cụm chồi MS + 2 mg/L BA + 0,25 mg/L NAA. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12h, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

Bước 4: Tạo rễ, tái sinh cây hoàn chỉnh

Chồi cam thảo bắc được chuyển vào môi trường kích thích tạo rễ MS + 1,5 mg/L IBA. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12h, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Quy trình nhân giống in vitro cây cam thảo bắc cho cây con có chiều cao 4-5 cm, 3-5 rễ, đủ tiêu chuẩn để huấn luyện và đưa ra vườn ươm.

Chi phí sản xuất cho 1.000 cây con cam thảo bắc theo quy trình khoảng 1,9 triệu đồng, tương đương 1.900 đồng/cây. Sau 1 tháng trồng ngoài nhà hậu cấy mô có thể đem ra thị trường (cây đạt chiều cao khoảng 5-10 cm, giá dự kiến bán ra cho cây giống đủ tiêu chuẩn là 3.000-3.500 đồng/cây). Hiện tại chưa có sản phẩm cây con cam thảo bắc từ nuôi cấy mô trên thị trường, vì vậy việc sản xuất theo quy trình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. ThS. Nguyễn Ngọc Ánh

ĐT: 0938 522 236. Email: anhnn1986@gmail.com

2. Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028.62646103.

 

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả