SpStinet - vwpChiTiet

 

Đèn xe đạp laser thành công lớn nhờ vốn đám đông

Từ một sinh viên thiết kế với ý tưởng mới lạ và thiết thực về loại đèn xe đạp laser, Emily Brooke đã trở thành chủ công ty khởi nghiệp đang lớn mạnh nhờ sự trợ giúp vốn của đám đông.


Ý tưởng bắt nguồn khi Emily Brooke đang đạp xe trên một con phố nhộn nhịp và nhận ra rằng người lái xe tải phía trước không thể nhìn thấy cô. Nếu ông ta đột nhiên rẽ trái, ắt hẳn cô đã bị nghiền nát.

Suy nghĩ về vấn đề này, Brooke - khi đó đang là sinh viên năm cuối ngành thiết kế ở ĐH Brighton, Anh - đã nảy ra sáng kiến chế tạo ra một loại đèn gắn phía trước xe đạp có thêm chức năng chiếu hình ảnh laser chiếc xe đạp trên mặt đường 5m phía trước để giúp cảnh báo người điều khiển xe gắn máy về người đi xe đạp nằm trong ‘điểm mù’ (blind spot) phía sau mình.

Phát triển ý tưởng này thành dự án tốt nghiệp, Brooke đã bắt tay vào thiết kế sản phẩm mẫu thử nghiệm và mua bản quyền để tránh bị nhái ý tưởng.

Sau khi tốt nghiệp, vào năm 2012, cô chính thức thành lập công ty Blaze ở London để phát triển sản phẩm đèn này. Đèn laser Blaze được tung ra thị trường năm ngoái, và chỉ trong vài tháng đã bán được hơn 3.000 chiếc.

Thử vận may với vốn đám đông

Khi thành lập vào năm 2012, Blaze là một trong những công ty đầu tiên ở Anh kêu gọi được vốn từ hình thức huy động vốn đám đông.

Với đóng góp 60 bảng, mỗi thành viên hỗ trợ ý tưởng này được hứa sẽ nhận được sản phẩm đèn ngay khi sản phẩm được thương mại hóa và đi vào sản xuất.

Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng chỉ thông qua truyền miệng, Blaze đã huy động được 55.000 bảng qua trang web Kickstarter, số tiền này lớn hơn gấp ba lần so với mục tiêu đề ra ban đầu.

Cô Brooke kể, dự án huy động vốn của cô được tung ra trong cùng tháng mà trang Kickstarter bắt đầu đi vào hoạt động ở Anh, bởi vậy với công ty đó thực sự là một trải nghiệm đầy căng thẳng: họ lo rằng dân chúng chưa thật sự hiểu ý tưởng vốn đám đông của Kickstarter.

Nhưng thật ngạc nhiên là mọi người nhanh chóng bàn tán về ý tưởng này và bắt đầu đóng góp. Brooke nói: “Đây thực sự là cách tốt nhất để tôi có thể chứng minh với các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà đầu tư mà tôi chuẩn bị gặp rằng ý tưởng này được mọi người đón nhận và sẵn sàng bỏ tiền cho nó.”

Số tiền huy động được từ đám đông đủ để thực hiện thiết kế cuối cùng và bắt đầu khâu sản xuất vào năm 2014 ở Trung Quốc.

Việc giới thiệu dự án trên Kickstarter cũng giúp ý tưởng đèn Blaze đến tai nhà tỷ phú Anh Sir Richard Branson, người sau đó đã bắt tay với công ty đầu tư toàn cầu Index Venture để đặt vào tổng cộng 300.000 bảng vốn đầu tư cho Blaze.

Một tương lai bận rộn


Được phân phối ở Anh bởi chuỗi cửa hàng toàn quốc Evan Cycles, Blaze còn bán được sản phẩm của mình cho 47 quốc gia khác qua mạng. Giá thành của một đèn này là 125 bảng. Tuy giá thành cao nhưng Brooke nói rằng nó phản ánh chất lượng của từng thành phần cấu tạo.

Với lượng hàng ngày càng bán chạy và kế hoạch tung ra thị trường một loại đèn hậu xe đạp mới cuối năm nay, công việc của doanh nhân trẻ Brooke và đội ngũ khiêm tốn của cô ở phía Đông London đang hết sức bận rộn.

Brooke nói, với những người trẻ đang nghĩ đến việc xây dựng công ty riêng, họ cần chuẩn bị tinh thần sẽ phải cống hiến hết thời gian của mình cho công việc và hi sinh đời sống riêng nhiều. Nhưng bất chấp những khó khăn để cân bằng công việc và cuộc sống, Brooke thấy rất may mắn vì được làm công việc mình say mê.
Theo Tiasang

Các tin khác: