Kỹ thuật xác định giá trị tài sản trí tuệ
05/12/2013
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 4/12, Bộ KH&CN tổ chức hội thảo trực tuyến Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh về kỹ thuật xác định giá trị tài sản trí tuệ (TSTT). Hội thảo trình bày và thảo luận các vấn đề: TSTT – đối tượng nghiên cứu, khái quát về các phương pháp xác định giá trị TSTT; các phương pháp chi phí, thu nhập, thị trường và kỹ thuật thực hiện; nội dung cơ bản của dự thảo thông tư hướng dẫn định giá đối với TSTT sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo ông Nguyễn Hữu Cẩn (Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ), từ thế kỷ XXI, nguồn lực mang tính chiến lược và được coi là có giá trị nhất đối với doanh nghiệp không còn là các tài sản hữu hình như những năm đầu thế kỷ XX mà là các tài sản vô hình. Sự có mặt tài sản vô hình trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp là một thước đo quan trọng đánh giá lợi thế cạnh tranh và sự thành công của doanh nghiệp trên thị trường. Nếu 30 năm trước đây, phần lớn giá trị của công ty được quyết định bởi tài sản tiền tệ và tài sản hữu hình thì hiện nay các tài sản đó hầu như đã bị thay thế bởi TSTT và các loại tài sản vô hình khác. Theo kết quả đánh giá mới đây của Interbrand, TSTT – một loại tài sản vô hình – cũng đã mang lại giá trị thương mại to lớn cho doanh nghiệp. Năm 2013, giá trị của nhãn hiệu Apple là 98,3 tỷ USD, Google là 93,3 tỷ USD, Coca cola 79,2 tỷ USD, IBM 78,8 tỷ USD… Những số liệu này cho thấy TSTT nói riêng và tài sản vô hình nói chung là tài sản có giá trị, có vai trò tạo ra giá trị thị trường của doanh nghiệp, có khả năng sinh lợi và là một công cụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vi mô và vĩ mô.
Hội thảo trực tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh về kỹ thuật xác định giá trị tài sản trí tuệ. Ảnh: LV.
Về phương pháp xác định giá trị của TSTT, trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, việc xác định giá trị của TSTT và tài sản vô hình tuân theo các tiêu chuẩn chung, thống nhất. Trong đó có 3 nhóm phương pháp được coi là cơ bản và phổ biến được áp dụng là nhóm phương pháp chi phí, nhóm phương pháp thị trường và nhóm phương pháp thu nhập. Theo bà Dương Lan Anh (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính), cách tiếp cận từ phương pháp thu nhập dựa trên cơ sở quan điểm cho rằng giá trị của tài sản chính là giá trị hiện tại của các dòng thu nhập trong tương lai liên quan tới quyền sở hữu, sử dụng hay việc trì hoãn sử dụng tài sản đó. Nhóm phương pháp thu nhập được sử dụng phổ biến trong việc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền đối với TSTT gây ra. Để áp dụng phương pháp thu nhập có nhiều phương pháp khác nhau như nhóm phương pháp sử dụng kỹ thuật dòng tiền chiết khấu (phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, phương pháp lợi nhuận vượt trội, phương pháp thu nhập tăng thêm) và nhóm phương pháp vốn hóa trực tiếp.
Nhóm phương pháp chi phí coi giá trị TSTT được cấu thành bởi chi phí quá khứ và hiện tại để tạo ra tài sản đó, tương đương với chi phí để thay thế bằng tài sản đồng nhất hoặc tương tự và có xem xét tới lượng giá trị bị hao mòn do tác động của yếu tố ngoại lai. Nhóm phương pháp thị trường coi giá trị của TSTT ngang bằng với giá trị thị trường của TSTT khác có bản chất đồng nhất hoặc tương tự được trao đổi, mua bán công khai trên thị trường. Với phương pháp thị trường (so sánh), TS. Đào Minh Đức (Sở KH&CN TP.HCM) bước đầu cụ thể hóa các nội dung của Tiêu chuẩn số 7 (TCTĐG 07) vào việc xác định giá trị của một số TSTT tại Việt Nam và đề xuất quy trình kỹ thuật xác định giá trị TSTT gồm 6 bước. Với phương pháp chi phí, TS. Đức cụ thể hóa bước đầu các nội dung của TCTĐG 08 vào việc xác định giá trị thị trường của một số TSTT Việt Nam thuộc nhóm 7 đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý) và đưa ra quy trình xác định giá trị TSTT theo phương pháp ước tính chi phí thay thế gồm 4 bước cơ bản. Phương pháp chi phí được vận dụng thuận tiện khi tiến hành xác định giá trị cho chính chủ sở hữu TSTT, cho TSTT đang được sử dụng tại doanh nghiệp và TSTT còn mới.
Lam Vân