SpStinet - vwpChiTiet

 

Nuôi dưỡng nền kinh tế sáng tạo

Đó là tên buổi hội thảo chuyên đề ngành công nghiệp sáng tạo vừa được Hội đồng Anh TP.HCM kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 26/8/2008 trong khuôn khổ nhánh dự án vùng doanh nhân ngành công nghiệp sáng tạo.

Đây là hội thảo về ngành công nghiệp sáng tạo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tham dự có các doanh nhân, nhà hoạch định chính sách, các đối tượng công tác trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo như quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, thiết kế thời trang, điện ảnh, phần mềm giải trí, nghệ thuật trình diễn, xuất bản, phần mềm và máy tính, truyền thanh truyền hình…
Doanh nhân ngành công nghiệp sáng tạo là một nhánh dự án thuộc dự án vùng 3 năm có tên “Thành phố sáng tạo”. Đây là dự án hợp tác văn hóa và nghệ thuật giữa vùng Đông Á và Vương quốc Anh với mục tiêu phát triển thành phố sáng tạo nơi có nền kinh tế tri thức thành công và các công dân toàn cầu có thể phát huy tài năng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Minh Tân – Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, trong những năm gần đây kinh tế TP.HCM duy trì được mức tăng trưởng tốt, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp sáng tạo, một định hướng của nền kinh tế tri thức. Thành phố luôn quan tâm và chú trọng tạo điều kiện cho ngành này phát triển thông qua các hoạt động như hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM, sở hữu trí tuệ, nghiên cứu chuyển giao công nghệ… Hội thảo và dự án này sẽ là tiền đề đầu tiên hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại TP.HCM.
Thuyết trình trao đổi kinh nghiệm tại hội thảo, ông Andrew Senior – Chuyên gia cao cấp, Ban kinh tế sáng tạo, Hội đồng Anh cho biết, kinh tế sáng tạo đứng thứ hai chỉ sau ngành kinh tế dịch vụ tài chính của London, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cả. Kinh tế sáng tạo là ngành tiềm năng dựa trên tài năng sáng tạo của cá nhân tạo ra của cải, vật chất, sự giàu có, công việc… Để kinh tế sáng tạo phát triển cần phải có tài nguyên vật liệu (tài năng trí tuệ), công nghệ sáng tạo, mức độ chấp nhận của xã hội (người tiêu dùng sáng tạo), doanh nghiệp doanh nhân. Trong đó doanh nghiệp doanh nhân là một cầu nối quan trọng phát hiện ra tài năng sáng tạo và kết nối, thương mại hóa tài năng đó ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Nhân – Phó cục trưởng, Cục hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã nêu lên một số vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam. Theo đó, công nghiệp sáng tạo là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Nó phát triển chủ yếu trong các lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, in ấn, phát hành, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo… trong khi có nhiều tác động làm thay đổi cơ cấu văn hóa; hệ thống sản xuất và phân phối chủ yếu của nhà nước; khu vực tư nhân, phi chính phủ còn nhỏ; đầu tư cho văn hóa thấp (0,3% GDP). Do đó, định hướng nhà nước với công nghiệp sáng tạo là hỗ trợ cho lĩnh vực gặp khó khăn, nâng cao cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật; tăng cường đội ngũ làm công tác nghệ thuật sáng tạo; đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế; nhà nước tạo hành lang và điều tiết…
Lam Vân
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả