SpStinet - vwpChiTiet

 

Phao dò tìm cá mập đầu tiên trên thế giới

Theo nhận định của giới chuyên môn trong ngành công nghiệp không khói ở xứ sở chuột túi, người Úc rất yêu đại dương. Đó cũng là lý do vì sao có đến 85% dân cư của quốc gia này rất thích sinh sống gần bờ biển. Không may khi cá mập lại có cùng sở thích!
 

Thống kê gần đây nhất đã chứng minh rằng khả năng người đi biển có thể bị cá mập tấn công là khá lớn. Trong nỗ lực nâng cao năng lực cảnh báo, dự án chế tạo Clever Buoy - chiếc phao âm học thông minh đầu tiên trên thế giới có thể giúp phát hiện cá mập từ rất xa - đã được khởi động bởi Công ty Singtel Optus (có trụ sở cũng được đặt tại Úc). Kết quả triển khai thử nghiệm các nguyên mẫu mới nhất của Clever Buoy là rất khả quan với độ chính xác và tin cậy cao.

Nguyên lý hoạt động của Clever Buoy có thể được khái quát hóa theo cách dễ hiểu hơn như sau: Người ta sẽ bố trí một số lượng phao âm học thông minh này theo cách có thể bao phủ tốt cả một khu vực rộng lớn trên biển, đặc biệt là những nơi thường có đông du khách hoặc ngư dân sinh sống.

Tuy nhiên, không như các loại phao âm học hiện hữu, Sonar Buoy do Dự án Optus Yes chế tạo được trang bị cả một bộ vi xử lý on-board với khả năng phân tích dữ liệu thu thập cũng như truyền đi tín hiệu cảnh báo theo thời gian thực.

Ngay khi có sinh vật biển bơi vào vùng phủ sóng của Clever Buoy, chiếc phao thông minh này sẽ lập tức sử dụng công nghệ tạo sinh ảnh từ những tín hiệu sóng âm mà nó vừa nhận được. Trí tuệ nhân tạo của chiếc máy tính mini nằm ở bên trong phao sẽ đưa ra những giải thuật nhận diện độc đáo để biết sinh vật này có phải là cá mập hay không.

Nếu mọi thông số thu được đều trùng khớp với kho “vân tay” của Clever Buoy, thì thông điệp xác nhận có sự xuất hiện của cá mập từ xa sẽ được truyền qua vệ tinh để chuyển đến mạng lưới kiểm soát biển quốc gia để họ chia sẻ nhanh cảnh báo đến với mọi người dân trong khu vực lân cận (dùng mạng xã hội).

Đồng thời, mạng lưới này cũng sẽ phát lệnh mở chuông báo động khẩn cấp từ xa đến đài tiếp nhận tín hiệu ở trên bờ. Tất cả sẽ giúp người dân nhanh chóng rời khỏi mặt nước biển trước khi họ bị cá mập tấn công bất ngờ.

Hiện tại, các nguyên mẫu mới nhất sẽ dùng loại pin sạc bằng nguồn điện sinh hoạt. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, các nhà chế tạo sẽ nghiên cứu tích hợp các tấm pin quang năng để kéo dài thời gian hoạt động cũng như gia tăng tính tiện dụng. Clever Buoy vào thời điểm này đã có thể phát hiện được cá mập có độ dài tối thiểu là 2 m.

Chi phí sản xuất đại trà cũng như thời điểm chính thức Clever Buoy được đưa vào sử dụng trên diện rộng vẫn chưa được Dự án Optus Yes tiết lộ.
Theo KHPT

Các tin khác: