Bước đầu nghiên cứu chẩn đoán và điều trị u nhầy trán sàng qua phẫu thuật nôi soi mũi xoang
02/06/2010
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Võ Thanh Quang, Đào Đình Thi, Lê Minh Kỳ và cộng sự thực hiện nhằm bước đầu nghiên cứu các triệu chứng lâm sàng, hình ảnh tổn thương trên phim CT Scan của u nhầy trán sàng và đánh giá kết quả điều trị u nhầy trán sàng qua phẫu thuật nội soi.
Nghiên cứu tiến hành trên 33 bệnh nhân, 15 nữ và 18 nam, tuổi từ 10-82, được chẩn đoán và điều trị u nhầy trán sàng bằng phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương giai đoạn 2004-2008.
Kết quả, về triệu chứng lâm sàng và CT Scan, bệnh thường phát hiện ở lứa tuổi trung niên. Không có sự khác biệt về giới. Khi bệnh nhân đến khám và điều trị, khối u thường đã lan rộng cả vùng trán sàng và các vùng lân cận. Ít khi phát hiện được khối u trong giai đoạn còn khu trú. Tuy là bệnh lý mũi xoang song bệnh nhân thường đến khám tại chuyên khoa mắt trước và triệu chứng lâm sàng về mắt trên các bệnh nhân biểu hiện rõ ràng hơn triệu chứng mũi xoang. Các triệu chứng lâm sàng mũi xoang, vị trí và hướng lan phát hiện qua khám nội soi và CT Scan có giá trị quyết định trong điều trị. Về phương pháp điều trị, điều trị bằng phẫu thuật nội soi là chỉ định hợp lý khi u phát triển vào hốc mũi hoặc đến sát vách mũi xoang, có thể thay thế được phẫu thuật đường ngoài trong phần lớn các trường hợp. Đường phối hợp được chỉ định trong 2 trường hợp: khối u ở xoang trán đơn thuần (giúp tiếp cận và dẫn lưu tốt khối u); khối u lan rộng xâm lấn nội sọ (giúp kiểm soát tình trạng não màng não trong lúc phẫu thuật để ngăn ngừa và điều trị các biến chứng thần kinh có thể xảy ra). Chăm sóc cẩn thận hốc mũi xoang sau mổ là một trong những yếu tố quyết định thành công của phẫu thuật.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 7-2009)