Sáng 13/5 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp giữa các nhà sáng chế từ nhiều địa phương trong cả nước nhằm trao đổi kinh nghiệm thương mại hóa sáng chế cũng như đóng góp các giải pháp thúc đẩy hoạt động sáng chế ở Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng trả lời báo chí bên lề cuộc gặp các nhà sáng chế sáng 13/5/2014 tại Hà Nội. Ảnh: TT
Tọa đàm do Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) chủ trì, với sự điều hành của ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia, Phái viên của Thủ tướng về KH&CN và Thứ trưởng KH&CN Trần Văn Tùng.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, chỉ số đăng ký sáng chế quốc tế được coi là một trong những chỉ số đo sự phát triển của mỗi quốc gia và nêu thực trạng “Việt Nam có rất ít sáng chế đăng ký quốc tế và việc đăng ký sáng chế trong nước cũng không nhiều”.
Minh họa cho nhận định này, TS Tạ Cao Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ ĐH Bách khoa đưa ra con số, từ năm 2004 đến năm 2013, một trường đại học lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có 14/44 sáng chế đăng ký được cấp bằng, và 16/28 giải pháp hữu ích đăng ký được cấp bằng. Còn theo ông Nguyễn Duy Lâm, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, trong khu vực Asean, Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar về số lượng sáng chế được đăng ký quốc tế.
Những nẻo đường thất bại
Tham gia tọa đàm có hơn 50 nhà sáng chế đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà sáng chế độc lập, trong đó có những người đã thương mại hóa rất thành công sáng chế của mình như TS Lê Văn Tri với chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ, chế phẩm tăng năng suất cây trồng hay phân bón phức hợp hữu cơ vi sinh; TS Nguyễn Thị Ngọc Dao với chế phẩm giải độc gan Naturenz và bột giun quế chống đông máu; “vua diệt chuột” Trần Quang Thiều đã bán được hàng chục triệu bẫy chuột không cần mồi từ năm 2010 đến nay; hay ông Nguyễn Long Uy Bảo, giải nhất chương trình “Nhà sáng chế 2013” do Bộ KH&CN và VTV2 đồng tổ chức, với 200 giường bệnh cho bệnh nhân đặc biệt đã được bán ra… Con đường đến với thành công của họ là có sản phẩm tốt và địa bàn ứng dụng rộng; hoặc cũng có khi do may mắn, được nhà sản xuất biết đến qua thông tin trên báo chí, từ đó đề nghị hợp tác chuyển giao công nghệ…
Song cũng có nhiều nhà sáng chế thừa nhận chưa thể thương mại hóa sản phẩm của mình, mà nguyên nhân chính không hoàn toàn do chúng kém giá trị. Không có mặt tại tọa đàm nhưng trường hợp của ông Phan Đình Phương, Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh, người nổi tiếng với hệ thống chữa cháy đa năng đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, được thảo luận nhiều nhất. Có người nhận xét, trớ trêu thay, ông Phương chuyên sáng chế trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy nhưng ứng dụng nổi bật nhất của ông lại là công trình phun lửa trên Cầu Rồng (Đà Nẵng). Một người bạn của ông – ông Đỗ Đức Thắng, nhà sáng chế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, có mặt tại tọa đàm, lý giải, thất bại của ông Phương là do ông không thể đưa sáng chế của mình vào ứng dụng trong hệ thống phòng cháy chữa cháy công mặc dù sản phẩm của ông đã vượt qua các yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng. Ông Thắng nói thẳng thắn: Sáng chế của chúng tôi (những người làm nghiên cứu độc lập) chỉ “vào” được các công ty liên doanh, công ty tư nhân, chứ không vào được các công trình tiêu tiền ngân sách do “va chạm quyền lợi sân sau”.
Một số ý kiến khác tại tọa đàm cho rằng, nếu chỉ đơn thương độc mã, không có sự song hành của nhà đầu tư và nhà quản trị thì thất bại trong việc thương mại hóa sản phẩm của nhà sáng chế hầu như là cầm chắc.
Cần được khuyến khích và hỗ trợ
Các nhà sáng chế độc lập - những người không được bao cấp để làm nghiên cứu, cho biết, khó khăn đầu tiên đối với họ là vốn, đặc biệt ở giai đoạn tiền công bố, khi họ phải tốn nhiều chi phí cho việc thiết kế, chế tạo sản phẩm mẫu. Họ không thể trông vào nguồn đầu tư nào khác ngoài nguồn vốn của chính mình. Như ông Phan Đình Phương đã phải bán cả nhà để theo đuổi công việc sáng chế, chấp nhận ăn cơm hộp, đi xe máy cà tàng, ngủ ngay tại văn phòng.
Bên cạnh đó, cả nhà sáng chế ở viện, trường và nhà sáng chế độc lập đều thừa nhận những khó khăn chung trong tiếp cận thị trường, định giá sản phẩm, thủ tục pháp lý…
Mặc dù làm nghiên cứu xuất phát từ những thôi thúc cá nhân nhưng các nhà sáng chế không phủ nhận họ vẫn rất cần sự khuyến khích, hỗ trợ từ nhà nước.
Nhiều kiến nghị đã được nêu ra, từ những kiến nghị nhỏ, như “sáng chế nào được cấp bằng thì tác giả của nó được hoàn lại chi phí đăng ký” của ông Nguyễn Long Uy Bảo. “Chỉ một – hai triệu thôi, không đáng bao nhiêu nhưng nó mang tính khuyến khích cụ thể,” ông Bảo nói.
Ý kiến này của ông sau đó đã được ông Lê Văn Tri đẩy lên một bậc. Ông Tri đề xuất, sau khi sáng chế đã được chấp nhận đơn về mặt hình thức, tác giả sẽ được cấp một khoản tiền, chẳng hạn 50 triệu, để tiếp tục hoàn thiện nội dung, nếu sau đó không được cấp bằng, tác giả có trách nhiệm hoàn lại toàn bộ số tiền.
Cũng có những kiến nghị căn cơ hơn, như tạo bệ đỡ cho các nhà sáng chế, hàm ý cung cấp những điều kiện về phòng thí nghiệm và nhà xưởng để họ thuận lợi hơn trong việc chế thử sản phẩm mẫu, hay kiến nghị về quyền bình đẳng trong đấu thầu của các nhà khoa học độc lập, đặc biệt ở các công trình tiêu tiền ngân sách.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã ghi nhận các kiến nghị, đồng thời cung cấp một số thông tin khả quan về cơ chế hỗ trợ từ Bộ KH&CN mà bất kỳ cá nhân, tập thể nào cũng có thể nhận được nếu họ sở hữu những tài sản trí tuệ tiềm năng. Chẳng hạn, ông cho biết, Bộ KH&CN đang trình Chính phủ thông qua nghị định “Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN” mà theo đó những sáng chế có giá trị, dù của cá nhân hay tập thể, đều có thể được định giá và mua lại để nhân rộng việc ứng dụng.
Bên cạnh đó, với Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN đang được tiến hành, những cá nhân, tập thể có đề xuất tốt sẽ được sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm và được hỗ trợ nguyên/nhiên vật liệu trong quá trình chế tạo sản phẩm mẫu.
Ông cũng nhấn mạnh, đây là thời điểm cần thiết sự ra đời của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KH&CN và Bộ KH&CN đang xúc tiến mô hình này, mặc dù vẫn còn khá nhiều rào cản về mặt văn bản pháp lý.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng