SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát hiện khảo cổ mới thách thức học thuyết loài người có nguồn gốc ở châu Phi

Mới đây tại Đạo Huyện thuộc tỉnh Hồ Nam, các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật được 47 hóa thạch răng “có đặc trưng của loài người hoàn toàn hiện đại”. Qua giám định niên đại và nghiên cứu hình thái những hóa thạch đó, các nhà khoa học phỏng đoán khoảng 80-125 nghìn năm trước, vùng này từng xuất hiện loài người hiện đại, nghĩa là sớm hơn 20 nghìn năm so với cuộc “Di dân ra khỏi châu Phi”.

Báo cáo nghiên cứu của họ đã được đăng trên tạp chí Nature ngày 15/10/2015.

Cho tới nay, các lý thuyết được giới khoa học công nhận đều cho rằng loài người hiện đại có nguồn gốc ở châu Phi. Khoảng 50.000 năm trước, do xảy ra đại hạn, họ buộc phải đi ra khỏi châu Phi, vượt Hồng Hải tiến sang Tây Á và châu Âu. Họ được coi là loài người hiện đại sớm nhất. Lý thuyết này cho rằng những người đó là tổ tiên đồng nhất của nhân loại, sau đó sinh sôi nảy nở ở khắp nơi trên trái đất.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin: nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu động vật có xương sống và nhân loại cổ thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã hợp tác với Viện Nghiên cứu môi trường trái đất thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Trung tâm Nghiên cứu sự tiến hóa nhân loại nhà nước Tây Ban Nha tiến hành phân tích tổng hợp về hình thái hóa thạch loài người và các yếu tố liên quan như địa tầng, niên đại.

TS. María Martinón-Torres ở University College London (UCL) cho rằng, việc khai quật và kết quả giám định niên đại hóa thạch răng loài người Đạo Huyện (Daoxian) cho thấy lý thuyết “Cuộc di dân ra khỏi châu Phi” còn có quá nhiều lĩnh vực chưa biết rõ; những người di cư ấy sau khi ra khỏi châu Phi thì đi đâu và số phận của họ ra sao – đây là một trong những vấn đề chính của cuộc tranh cãi hiện nay.

GS. Chris Stringer ở Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London nói nghiên cứu mới này là “sự thay đổi cuộc chơi” trong các tranh luận về sự truyền lan của loài người hiện đại.
 
Nguồn: http://tiasang.com.vn


 

Các tin khác: