Sáng thứ Sáu ngày 03/04/2015, tại Trung tâm Thông tin KH&CN TP.HCM, 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM đã diễn ra chương trình báo cáo Phân tích xu hướng công nghệ với chủ đề “Giới thiệu hệ thống tưới khoa học và các ứng dụng thành công tại Việt Nam”. Chương trình thu hút gần 100 đại biểu tham dự từ các Sở, Ngành, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp,....Các đại biểu đánh giá cao về nội dung chương trình vì đây là vấn đề thiết thực, được nhiều người quan tâm.
Báo cáo công bố gần đây của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) và Viện Quản lý nước Quốc tế (IWMI) cũng khẳng định, nhiều quốc gia tại châu Á sẽ phải nhập khẩu lương thực từ châu lục khác nếu không thay đổi cách thức tưới tiêu.
Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia về đất, phân bón, dinh dưỡng cây trồng, tại Việt Nam, phương pháp tưới hiện đại-tưới nhỏ giọt-hiện đang được áp dụng đối với những vườn cây ăn trái đặc sản, hồ tiêu… đem lại hiệu quả kinh tế cao ở những vùng thiếu nước tưới. Cách tưới này tiết kiệm lượng nước tối đa. Đất giữ nguyên được hiện trạng kết cấu, không bị bào mòn, phân bón không bị rửa trôi....Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu đầu tư lớn nên còn tùy thuộc vào nguồn tài chính mới có khả năng ứng dụng trong sản xuất đại trà.
Ngoài ra, mặc dù có thể áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt song song với bón phân, nhưng phân bón theo hệ thống tưới nhỏ giọt phải có thành phần, hàm lượng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng chủng loại cây trồng và phải phù hợp với tính chất của từng loại giá thể cũng như các dụng cụ, phương tiện canh tác.
Ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh cho biết, kể từ năm 1968, trên thế giới, Mỹ đã nghiên cứu và áp dụng tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Từ năm 1968 đến 2009, nhiều nước cũng nghiên cứu áp dụng tưới nhỏ giọt như Israel, Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Hàn Quốc, Anh, Canada và Ukraine. Đến nay đã có 26 quốc gia trên thế giới áp dụng tưới nhỏ giọt trong lĩnh vực trồng trọt.
Cũng theo ông Trung, tại Việt Nam hiện nay đang có khá nhiều mô hình tưới nhỏ giọt cho cây, ví dụ như hơn 12.000 ha cây công nghiệp (cao su, chè, hồ tiêu, mía) tại các tỉnh như Gia Lai, KonTum, Lâm Đồng, Đăklăk, Nghệ An...; 1.400 ha cây ăn trái (thanh long, cam, cây có múi) tại các tỉnh Bình Thuận, Hòa Bình, Nghệ An, vùng Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ,...
Với TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, sử dụng các loại phân bón thế hệ mới được sản xuất theo công nghệ sinh học hoặc công nghệ cao kết hợp với công nghệ tưới nhỏ giọt chính là góp phần xây dựng qui trình kỹ thuật công nghệ cao ứng dụng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
H.M.