Xuất khẩu công nghệ cao của VN tăng 10 lần từ 2008
16/11/2015
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Thông tin nói trên được đưa ra trong Báo cáo Khoa học 2015 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO Sicence Report 2015) vừa công bố hôm qua, 10/11.
Báo cáo Khoa học của UNESCO là báo cáo được công bố 5 năm một lần, cập nhật tình hình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo toàn thế giới. Nguồn dữ liệu của báo cáo được cung cấp từ Viện Thống kê UNESCO và các nguồn khác.
Báo cáo cho hay, xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam trong 5 năm qua (2008-2013) đã có sự tăng trưởng ấn tượng, xấp xỉ 10 lần, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương. Theo đó, vào năm 2008, giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam đạt 2.960,6 triệu USD. Đến năm 2013, giá trị xuất khẩu của lĩnh vực này đạt tới 32.489,1 triệu USD, tăng 997,4%
Giá trị xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam năm 2013 chiếm 10,6% tổng giá trị toàn khu vực, tương đương Thái Lan. Dẫn đầu vẫn là Singapore chiếm 45,9%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, lĩnh vực điện tử viễn thông, máy tính và máy văn phòng là lĩnh vực “thống trị” lĩnh vực xuất khẩu công nghệ cao tại Việt Nam cũng như khu vực. Có tới 67,1% giá trị xuất khẩu công nghệ cao của khu vực thuộc về lĩnh vực điện tử viễn thông. Con số này tại Việt Nam lên tới 79,6%.
Nếu tính cả lĩnh vực máy tính và máy văn phòng (17,8%) thì hai lĩnh vực này đã chiếm tới 97,4% tổng giá trị xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam. Trong khi đó, các lĩnh vực dược phẩm, máy móc điện tử chỉ chiếm 0,1%. Lĩnh vực vũ khí, công nghệ vũ trụ không có trong danh mục xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam.
Bên cạnh đó, số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam cũng có sự tăng trưởng đáng kể, lên tới 31,7%. Theo thống kê của UNESCO, năm 2014, Việt Nam có 2.298 công bố quốc tế, xếp thứ 5 trong khu vực. Trung bình 25 công bố quốc tế trên 1 triệu dân, đứng thứ 9 trong khu vực.
Lĩnh vực có nhiều công bố quốc tế nhất của Việt Nam 2014 là công nghệ sinh học với 324 công bố. Vật lý, kỹ thuật và toán học lần lượt xếp ở các vị trí tiếp theo với số lượng công bố lần lượt là 306, 289, 257.
Tuy nhiên, 76,5% số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam có đồng tác giả là người nước ngoài.
Nhận xét về tình hình phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam trong 5 năm qua, báo cáo viết:
“Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là từ khi tự do hóa nền kinh tế để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Lĩnh vực chế tạo và dịch vụ đã chiếm 40% giá trị GDP. Tuy nhiên, một nửa lực lượng lao động (48%) vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp".
“Việt Nam được dự đoán là sẽ mất đi ưu thế về nhân công giá rẻ trong tương lai gần. Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao (Bình quân GDP đầu người của Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ 2008), Việt Nam buộc phải tăng năng suất để bù lại…”
“Một thách thức lớn là thực hiện các chiến lược có thể tăng cường tiềm lực cho việc nâng cao công nghệ và kỹ năng hiện có ở các công ty xuyên quốc gia cho các công ty vừa và nhỏ. Điều này đòi hỏi các chiến lược nâng cao kỹ thuật và kỹ năng cho các công ty bản địa hiện vẫn rất yếu trong việc hội nhập chuỗi sản xuất toàn cầu”, báo cáo viết.
Nguồn: vietnamnet.vn