SpStinet - vwpChiTiet

 

Thiên hà sáng nhất vũ trụ đang bốc hơi

Các nhà nghiên cứu phát hiện thiên hà sáng gấp 350 tỷ tỷ lần Mặt Trời đang ở trong tình trạng vô cùng hỗn loạn vì luồng tia hồng ngoại và đang tự phân rã.

Luồng ánh sáng hồng ngoại dữ dội đang làm bốc hơi các vật chất tạo sao trong thiên hà sáng nhất vũ trụ. Ảnh minh họa: Science News.

Thiên hà W2246-0526 được coi là thiên hà "sáng nhất vũ trụ" bởi gần như không một loại ánh sáng nhìn thấy nào có thể thoát ra ngoài biên giới của nó. Theo UPI, nhóm nghiên cứu sử dụng kính thiên văn Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA) để ghi lại chuyển động của vật chất giữa các vì sao trong thiên hà. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomical Journal Letters hôm 28/12/2015.
 
Áng sáng mạnh phát ra từ W2246-0526 bị một tường bụi dày ở rìa hấp thụ và chuyển hóa thành luồng tia hồng ngoại mạnh gấp 350 tỷ tỷ lần Mặt Trời. Dạng thiên hà này có tên gọi "chuẩn tinh bị che khuất".
 
Không chỉ sáng bất thường, W2246-0526 còn nằm trong nhóm những thiên hà nóng bị bụi che khuất (Hot DOG). Trung bình cứ 1/3.000 chuẩn tinh mà các nhà khoa học tìm thấy thuộc nhóm Hot DOG.
 
Năng lượng của W2246-0526 phát ra từ hố đen siêu lớn ở trung tâm. Bao quanh hố đen là một đĩa năng lượng cao ngày càng phình to, nơi có các luồng khí xoắn dày đặc và siêu nóng. "Những đặc điểm trên khiến cho thiên hà trở thành một quái vật tia hồng ngoại", UPI dẫn lời nhà thiên văn học Roberto Assef, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Diego Portales ở Chile.
 
"Năng lượng hồng ngoại mạnh phát ra từ lớp bụi tác động trực tiếp và dữ dội lên toàn bộ thiên hà, tạo ra sự hỗn loạn cao độ trong môi trường vật chất giữa các vì sao", Assef nói.
 
Nhóm nghiên cứu tin rằng chỉ sau một thời gian ngắn, W2246-0526 sẽ không còn là thiên hà sáng nhất. Luồng khí gas siêu nóng phun ra từ hố đen đang tản mát theo mọi hướng giữa các vì sao với tốc độ cao. "Chúng tôi phát hiện lượng lớn cacbon ion hóa lớn ở trạng thái chuyển động vô cùng hỗn loạn khắp thiên hà", Tanio Diaz-Santos, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
 
Các nhà khoa học ví thiên hà này với một ấm nước đang sôi và kết luận cuối cùng nó sẽ làm bốc hơi mọi vật chất tạo sao. "Nếu mô hình tiếp diễn, nhiều khả năng W2246 sẽ đánh mất một phần lớn khí gas và bụi trong tương lai. Kính viễn vọng ALMA với độ phân giải lớn chưa từng có cho phép chúng tôi quan sát vật thể một cách rõ nét và tìm hiểu giai đoạn quan trọng trong vòng đời của thiên hà", nhà thiên văn học Manuel Aravena chia sẻ.
 
Nguồn: vnexpress.net

Các tin khác: