SpStinet - vwpChiTiet

 

TP.HCM: cần tăng cường ứng dụng KH&CN để giảm ùn tắc giao thông

Ngày 29/3, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phối hợp với Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo “Các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.HCM”. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự và đưa ra các giải pháp cho vấn đề giao thông tại TP.HCM.

PGS.TS Hồ Thanh Phong (Đại học Quốc tế) đề xuất TP.HCM cần nhanh chóng tăng cường năng lực giao thông như: xây thêm tuyến metro, tổ chức lại đường sắt đô thị, xe bus, tổ chức lại quy hoạch giao thông bằng các phương pháp vận trù học hiện đại; phê duyệt để triển khai xây dựng hệ thống giao thông thông minh diện rộng ở TP.HCM, trong đó cần tăng cường công nghệ nội sinh vì đây là yếu tố vững bền cho sự phát triển của TP.HCM do thực tế vừa qua có nhiều ví dụ cho sự không thành công với công nghệ ngoại thông qua viện trợ hoặc vay. Để triển khai hệ thống giao thông thông minh, cần có sự đầu tư hơn nữa vào hạ tầng công nghệ, viễn thông, giúp liên thông lẫn nhau giữa nhiều lĩnh vực, hạng mục.

TS. Võ Kim Cương (nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM) cho rằng, để triển khai tốt các chương trình đột phá nói chung và chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông nói riêng, cần đổi mới quan điểm và tư duy, từ đó tạo đột phá về chính sách, trước hết là chính sách tài chính. TS. Kim Cương đưa ra 10 giải pháp toàn diện, trong đó có 5 giải pháp về mặt kỹ thuật và 5 giải pháp về mặt xã hội chống ùn tắc giao thông gồm: phát triển cầu đường; phát triển giao thông công cộng; cải tạo các nút tắc; phân luồng tuyến hợp lý; quy hoạch đô thị hợp lý (tránh tập trung đông người như trường học, chợ, nhà máy trên các trục lộ); tăng cường pháp chế; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về giao thông; hạn chế phương tiện cá nhân; huy động tài chính phục vụ quản lý và phát triển giao thông; sắp xếp lại giờ tan tầm.
 

Trưng bày các sản phẩm nghiên cứu, giải pháp công nghệ phục vụ giao thông thông minh, giao thông công cộng. Ảnh: LV.

Nhóm nghiên cứu của TS. Vũ Anh Tuấn (Đại học Việt Đức) và GS.TS Manfred Boltze (Đại học Công kỹ thuật Darmstadt – Cộng hòa Liên bang Đức) thì cho rằng di chuyển là quyền của con người, không nên bị hạn chế. Khi giải quyết ùn tắc, ô nhiễm và tai nạn, chúng ta thường quan niệm rằng cơ sở hạ tầng giao thông là phải đầy đủ. Nhưng, không một nước nào trên thế giới có thể mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông để bắt kịp với sự tăng trưởng nhu cầu giao thông vận tải. Đã đến lúc phải có quan niệm mới, đó là lựa chọn và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thích hợp và “quản lý giao thông toàn diện” thay cho tư duy “hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân thuần túy”. TS. Vũ Anh Tuấn đề xuất 10 nhóm giải pháp quản lý giao thông đô thị bền vững, gồm: kiểm soát nhu cầu vận tải; kiểm soát lựa chọn phương tiện; dùng thuế, phí để kiểm soát nhu cầu vận tải; vận hành khai thác cơ sở hạ tầng giao thông một cách linh động; thúc đẩy những dịch vụ di chuyển mới; ứng dụng giao thông thông minh; quan tâm hàng đầu đến an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường; minh bạch hóa thông tin về chất lượng dịch vụ giao thông và liên tục cải thiện nó; cung cấp nguồn vốn đủ, bền vững cho giao thông; có khung thể chế phù hợp để quản lý vận tải đa phương thức.

Ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết, Sở đã hoạch định 7 nhóm vấn đề để thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020. Trước mắt ưu tiên tập trung vào việc kết nối, khai thác tốt nhất hệ thống hạ tầng hiện nay bằng các giải pháp đồng bộ, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành. Đây là nhóm giải pháp tốn ít chi phí nhất và có thể triển khai làm được ngay, hiệu quả thấy rõ. ưu tiên tiếp theo là tập trung dồn sức để phát triển vận tải công cộng, trong đó có xe bus; đổi mới và cải tổ lại hệ thống vận tải công cộng, trong đó chú trọng phát triển hệ thống vận tải giao thông đường thủy nội địa để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông đường bộ.

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, những giải pháp ưu tiên, mang tính đột phá là cần thiết nhưng phải gắn liền với chỉnh trang đô thị, vấn đề môi trường và cảnh quan đô thị. Ngoài ra, cần xem việc ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ thông tin là yêu cầu bao trùm lên tất cả các giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả