Hướng dẫn đầu tư điện gió: công cụ hữu ích cho phát triển điện gió tại Việt Nam
01/04/2016
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Việt Nam với hơn 3.000 km bờ biển và nằm trong khu vực khí hậu gió mùa có tiềm năng phát triển điện gió tốt nhất Đông Nam Á. Theo ước tính của bản đồ gió năm 2011, tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 24 GW. Mục tiêu công suất lắp đặt nguồn điện gió là 800 MW năm 2020, 2.000 MW năm 2025 và 6.000 MW năm 2030. Mặc dù có nguồn tài nguyên gió đầy hứa hẹn nhưng chỉ có 114 MW điện gió đang hoạt động do các rào cản về pháp lý và thị trường cũng như nhu cầu về năng lực cần được khắc phục. Thông tin được đưa ra tại hội thảo giới thiệu nghiên cứu “Hướng dẫn đầu tư điện gió” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương tổ chức ngày 01/4 tại TP.HCM.
Hội thảo được thực hiện bởi Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ CHLB Đức “Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng” (Dự án Gió DKTI) nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam khai thác và ứng dụng hiệu quả nguồn năng lượng này cho phát triển kinh tế xã hội. Hội thảo giới thiệu nghiên cứu “Hướng dẫn đầu tư điện gió" hướng tới các nhà lãnh đạo cao cấp của bộ ngành có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các sở ban ngành như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương các tỉnh phía Nam cũng như khu vực tư nhân. Nhằm giúp đỡ nhà đầu tư hiểu sâu sắc hơn về các giai đoạn phát triển dự án điện gió và thu thập thông tin phản hồi từ các bên tham gia liên quan đến quy trình đầu tư, các đại biểu tham gia hội thảo được chia thành nhóm để thảo luận các giai đoạn dự án khác nhau.
Các đại biểu tham gia hội thảo cùng thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến dự án phát triển điện gió tại Việt Nam. Ảnh: LV. Nghiên cứu “Hướng dẫn đầu tư điện gió: phát triển dự án (tập 1) và tài chính dự án (tập 2)” do GIZ phối hợp với Mạng lưới Tư vấn tài chính cho đổi mới công nghệ sạch (CITI PFAN) triển khai thực hiện nhằm giúp các bước phát triển điện gió ở Việt Nam minh bạch và rõ ràng hơn. Nghiên cứu hướng dẫn này không những làm rõ các khả năng và phương án tài chính khác nhau cho dự án điện gió trong khuôn khổ pháp lý hiện tại, mà còn tạo cơ hội cho cơ quan công quyền cấp tỉnh hiểu sâu hơn về quy trình đầu tư điện gió ở Việt Nam.
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Trần Trương Hân, cho biết, kết quả của nghiên cứu hướng dẫn đã đạt được một số bước quan trọng trong các quy trình đầu tư nhà máy điện gió tại Việt Nam. Đây được xem là bộ công cụ hữu ích cho phát triển điện gió tại Việt Nam. Cụ thể gồm các giai đoạn chuẩn bị đầu (các bước quan trọng như xác định địa điểm, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ký quỹ dự án,…; giai đoạn phát triển dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán điện,…); giai đoạn thực hiện dự án; vận hành và bảo dưỡng; dừng khai thác và tháo dỡ. Nghiên cứu này cũng đưa ra các kiến nghị cụ thể về thủ tục hành chính và quy định; quy định về đất đai; nối lưới; sự phối hợp của các bên liên quan; thuế và ưu đãi. Những kiến nghị này có thể giúp giảm bớt rủi ro phát triển điện gió ở Việt Nam, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, giảm bớt công việc mang tính giấy tờ và thời gian của các cơ quan nhà nước và nâng cao hiệu quả,…
Được biết, Dự án Gió DKTI thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6/2015 – 12/2018 bởi Bộ Công thương, Tổng cục Năng lượng và GIZ với tổng kinh phí 6,900 triệu EUR. Dự án thực hiện trên ba lĩnh vực lớn là xây dựng khung chính sách và pháp lý để phát triển điện gió; nâng cao năng lực cho đơn vị liên quan, các công ty điện; chuyển giao công nghệ và hợp tác công nghệ với các đối tác Việt Nam.
Lam Vân