SpStinet - vwpChiTiet

 

Kết quả nghiên cứu giống dừa dứa

Với nghiên cứu này, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng và cộng sự (Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu) đã tiến hành khảo nghiệm, theo dõi đánh giá sinh trưởng, phát triển và năng suất của giống dừa dứa (giống dừa có nước và cơm ngọt, thơm mùi lá dứa) sản xuất thử tại một số tỉnh phía Nam.

Dừa dứa có các chỉ tiêu sinh trưởng tương đương so với giống dừa xiêm xanh. Chỉ tiêu về chu vi gốc, tổng số lá và chiều dài lá chức năng của dừa xiêm xanh có cao hơn so với dừa dứa nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Qua sản xuất thử nghiệm cho thấy, sau 3 năm trồng cây dừa dứa đã ra hoa và cho năng suất quả đầu tiên; sau 6-8 năm trồng, dừa dứa trên đất phù sa Kiên Giang, đất phù sa nước lợ Bến Tre cho năng suất quả/cây/năm đạt từ 66,9-82,4 quả, gấp 1,1 lần so với vùng đất phù sa nước nhiễm mặn vào mùa nắng ở Trà Vinh (61,4-71,7 quả/cây/năm) và tương đương với vườn dừa dứa trồng trên đất xám Tây Ninh (70-84,8 quả/cây/năm). Như vậy có thể thấy, cùng độ tuổi, sống cùng trên một vùng đất, dừa dứa có thời gian ra hoa sớm hơn dừa xiêm; năng suất quả/cây/năm cao hơn gấp 1,3 lần so với dừa xiêm.

Trong nước và cơm dừa dứa có những chất thơm quý như Cineole, p-Menth-I-en-4-ol, 1,4 Cyclohexadiene, 4-Thujanol, Isobornyl acetate… Những chất thơm quý này không phát hiện được trong cơm và nước dừa xiêm. Những chất này làm cho dừa dứa có mùi thơm đặc trưng của lá dứa mà trong dừa xiêm xanh không có. Tỷ lệ gây hại của bọ dừa ở dừa dứa từ 8,6%-12,8%, cao hơn dừa xiêm xanh (7,3-10,5%). Tỷ lệ gây hại của kiến vương ở các vườn dừa dứa là 7,4-8,5%. Vườn dừa dứa ở Trà Vinh và Tây Ninh có tỷ lệ kiến vương gây hại nặng nhất (8,2%-8,5%). Từ kết quả nghiên cứu này, giống dừa dứa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống sản xuất thử vào năm 2006; năm 2012 công nhận giống dừa là giống cây trồng mới.
 LV (nguồn: Hội thảo Cây dừa VN – giá trị và tiềm năng, 8/2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả