Quan trắc và cảnh báo chất lượng nước các vùng dọc sông Tiền, sông Hậu phục vụ nuôi cá tra
04/11/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Tác giả Lưu Đức Điền và cộng sự ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thực hiện đề tài (thuộc Chương trình quan trắc môi trường nước ngọt của Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2013) với mục tiêu thu thập dữ liệu môi trường nền, đánh giá tác động và sự biến động môi trường nước liên quan đến nghề nuôi cá tra giúp cho các cơ quan quản lí trong công tác quản lí và chỉ đạo; tìm giải pháp thích hợp cho việc quy hoạch nuôi cá tra bền vững đối với các tỉnh dọc theo sông Tiền, sông Hậu.
Kết quả quan trắc chất lượng nước ngọt sông Tiền, sông Hậu phục vụ nuôi cá tra thâm canh cho thấy, có sự suy giảm chất lượng môi trường ở cả hai dòng sông này vào giai đoạn mùa khô (tháng 3) nhưng vào mùa mưa (tháng 5-7) thì chất lượng nước tốt hơn nhiều.
Ô nhiễm nước thải sinh hoạt được ghi nhận phổ biến vì hàm lượng Coliform vượt giới hạn cho phép nhiều lần. So với trung bình cùng kì nhiều năm, hàm lượng Amoni có xu hướng giảm ở hầu hết các đợt quan trắc. Sự chênh lệch COD (nhu cầu ô xy hóa học) giữa thượng nguồn và hạ nguồn không cao trên cả hai nhánh sông cho thấy khả năng tự làm sạch của dòng sông còn khá tốt.
Đánh giá chất lượng nguồn nước theo Chỉ số chất lượng nước thủy sản nước ngọt cho thấy, hầu hết các điểm quan trắc chất lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu ở mức phù hợp chiếm 39 % (7/18), mức tốt chiếm 45 % (8/18). Như vậy, mặc dù hiện vẫn còn nhiều nghi ngại về vấn để ô nhiễm nguồn nước sông Tiền, sông Hậu và cũng đã ghi nhận thỉnh thoảng hàm lượng chất ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép nuôi trồng thủy sản ở các kênh rạch nhỏ, nhưng với bức tranh tổng thể thì chất lượng nước sông Tiền, sông Hậu còn rất tốt, thuận lợi cho việc quy hoạch các vùng nuôi cá tra.
LV (nguồn: HN KHCN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM lần 2-2014)