SpStinet - vwpChiTiet

 

Biến vi khuẩn gây nhiễm độc thực phẩm thành tác nhân chống ung thư

Ung thư có xu hướng liên kết với các tế bào xung quanh để tạo ra tình trạng “vô hình” trước hệ thống đề kháng của cơ thể. Các nhà khoa học đã biến đổi vi khuẩn Salmonella để kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư ở người được cấy vào chuột thí nghiệm. Kết quả ban đầu cho thấy khả năng ngăn ngừa tình trạng ung thư di căn. Nếu kỹ thuật này áp dụng được ở người, sẽ là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực điều trị ung thư bằng vi khuẩn.

"Nhóm nghiên cứu đã làm việc vô cùng nghiêm túc" Roy Curtiss III, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Florida (Gainesville), một trong những người tiên phong trong kỹ thuật sử dụng vi khuẩn để chống bệnh ung thư, nói.

Do vi khuẩn thường khu trú tại các mô bị hoại tử của các khối u nên các nhà khoa học có thể dễ dàng định vị "mục tiêu" tế bào ung thư cho các vi sinh vật. Một liệu pháp điều trị ung thư bàng quang theo phương pháp này đã được FDA chấp thuận. Nhưng khối u vẫn có xu hướng quay trở lại và vi khuẩn có thể gây độc.

Từ năm 2006, các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chonnam ở Gwangju, Hàn Quốc, khi nghiên cứu các loại vi khuẩn hình que Vibrio vulnificus, vốn gây hại cho các loài động vật nhuyễn thể có vỏ ở Hàn Quốc đã nhận thấy một loại protein trong khuẩn này có thể kích hoạt một phản ứng rất mạnh từ các tế bào miễn dịch. Vì vậy, họ đã tạo ra một biến thể vô hại của vi khuẩn Salmonella typhimurium và biến đổi di truyền để nó tạo ra một loại protein mới, gọi là FlaB.

Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi các nhà sinh học Jung Joon-Min và Joon Haeng Rhee, sau đó tiến hành thử nghiệm tác động của vi khuẩn Salmonella đã biến đổi đối với ung thư. Trong loạt thí nghiệm, họ tiêm nó vào 20 con chuột đã nhiễm ung thư ruột kết của người. Ba ngày sau đó, các nhà khoa học nhận thấy vi khuẩn không còn trong gan, phổi và lá lách nhưng các mô ung thư của chuột khá nhiều vi khuẩn Salmonella. Sau 120 ngày, khối u không còn phát hiện được ở 11/20 chuột thí nghiệm và chúng vẫn khỏe mạnh suốt thí nghiệm. Lô đối chứng, chuột bị nhiễm vi khuẩn không tiết FlaB đã chết vì ung thư.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu cấy tế bào ung thư ruột kết di căn vào nhiều nhóm chuột khác: 8 chuột với Salmonella tiết FlaB, 6 chuột với Salmonella không tiết FlaB và 7 chuột đối chứng khác. Sau 27 ngày, cả chuột không được điều trị và chuột với Salmonella không tiết FlaB đều bị di căn. Riêng 8 chuột có các vi khuẩn tiết FlaB, chỉ 4 xuất hiện khối u, còn lại không thấy di căn, theo các nhà nghiên cứu thông tin trên Tạp chí Science Translational Medicine.

Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật với các loại động vật và dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người trong vài năm tới.
T.K (Theo scienmag.org)

Các tin khác: