Việc phát triển nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm theo hướng hữu cơ đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới. Nhằm giới thiệu một số doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này và thực hiện kết nối chuyển giao công nghệ nuôi trồng hữu cơ cũng như tìm thị trường cho sản phẩm, ngày 12/5, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp Organic Việt Nam, xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ” do Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác liên kết cung ứng theo chuỗi sản xuất-phân phối-tiêu thụ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: H.M.
Việt Nam là quốc gia với 80% lực lượng lao động làm nông nghiệp và có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng trong top đầu thế giới như gạo, điều, tiêu.. nhưng giá trị gia tăng từ sản xuất và chế biến nông sản vẫn chưa cao và thực tế chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể tham gia tương xứng về giá trị khi hội nhập, nhất là với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong nước, tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp; chế biến thực phẩm và tình trạng ô nhiễm môi trường đang tác động xấu tới sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng.
Vì vậy, việc định hướng phát triển nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trong xu thế hội nhập thế giới là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội. Theo xu hướng này, một số nhà đầu tư, các nông trường có quy mô khác nhau, kể cả các hợp tác xã nông nghiệp tiên phong chuyển dịch dần phương thức canh tác sang sản xuất xanh và sạch, cung cấp cho thị trường các sản phẩm thực phẩm an toàn, phù hợp theo tiêu chuẩn quy định như VietGap, Global Gap, hoặc theo định hướng nông nghiệp tự nhiên không dùng thuốc. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ được xem là một lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam, nhưng hứa hẹn hiệu quả kinh doanh lớn hơn và cơ hội phát triển tốt trong tương lai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện đang có đủ điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bao gồm rau, quả, chè, gạo và thủy sản. Theo Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, hiện nay, Việt Nam còn nhiều diện tích đất đai trong tình trạng hữu cơ (không hoặc rất ít sử dụng hóa chất), tập trung ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên, việc sản xuất ra một sản phẩm đúng nghĩa "hữu cơ" là một quá trình khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết nhiệt đới, sâu bệnh thường xuyên xuất hiện như ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt, Lâm Đồng, có khá nhiều thách thức trên con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông Nguyễn Đại Thắng đến từ Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu cũng cho biết, làm ra sản phẩm hữu cơ rất khó vì cần chú ý cả về môi trường trước và sau khi sản xuất, vấn đề cộng đồng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp an toàn, Chính phủ đã ban hành quyết định 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, bao gồm sản phẩm hữu cơ. Đại diện Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra những cam kết sẽ sớm hoàn thiện những quy định, chính sách để hỗ trợ các công ty sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, những cơ quan quản lý này đề nghị các địa phương sớm có quy hoạch cho vùng sản xuất hữu cơ, nghiên cứu ban hành các quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ cho từng đối tượng sản phẩm, phù hợp với địa phương nơi sản xuất…
Ngay tại hội thảo trên, nhiều đối tác đến từ Nhật, Đức, Liên minh châu Âu (EU)… đã ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (không sử dụng chất hóa học, chất kháng sinh…) với các công ty Việt. Đặc biệt trong hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác liên kết cung ứng theo chuỗi sản xuất-phân phối-tiêu thụ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước và lễ ký kết bản ghi nhớ về chuyển giao công nghệ nuôi trồng hữu cơ với tỉnh Tây Ninh.
H.M.