RMIT Việt Nam thành lập Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số
16/05/2016
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 16/5/2016, tại Đại học RMIT Việt Nam (quận 7, TP.HCM), ông Steven Herbert - Bộ trưởng Bộ Đào tạo và Kỹ năng, nghị sĩ bang Victoria (Úc) đã tuyên bố thành lập Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (Centre of Digital Excellence – CODE) Đại học RMIT Việt Nam. Đây là sáng kiến của RMIT với mục tiêu xây dựng năng lực giáo dục cho Việt Nam.
GS. Beverley Webster (Phó hiệu trưởng RMIT Việt Nam) cho biết, sáng kiến này đã được trao đổi và nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo. CODE sẽ là kênh hợp tác giữa Đại học RMIT, Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam. Mục tiêu của CODE là phát triển năng lực của đội ngũ giảng viên Việt Nam, chia sẻ các sáng kiến ứng dụng công nghệ số trong dạy và học, tạo nguồn học bổng cho giảng viên Việt Nam thực hiện nghiên cứu về công nghệ số tại Đại học RMIT Việt Nam, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu cũng như kiến thức trong lĩnh vực này.
Ông Steven Herbert tuyên bố thành lập Trung tâm Xuất sắc về kỹ thuật số tại Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: LV.
Trung tâm cũng sẽ khởi xướng hàng loạt hoạt động như đào tạo chứng chỉ/chương trình liên thông lên đại học có giá trị quốc tế về dạy và học bằng công nghệ số, về quản lý trong lĩnh vực giáo dục, và trong giảng dạy song ngữ; tổ chức hàng loạt buổi diễn thuyết mở với chuyên gia khách mời quốc tế; tổ chức hội thảo về phương pháp giảng dạy tiếng Anh bằng kỹ thuật số cho khối tiểu học và trung học – TESOL Talks; thiết lập quan hệ đối tác giữa các học giả và chính phủ.
Theo GS. Webster, hoạt động chính của CODE trong năm 2016 gồm hàng loạt hội thảo với chủ đề ứng dụng kỹ thuật số trong đào tạo của các chuyên gia quốc tế; ra mắt khóa học trực tuyến, được thiết kế đặc biệt để nâng cao năng lực của học viên trong giảng dạy đại học, nhấn mạnh vào ứng dụng kỹ thuật số và giảng dạy trực tuyến. Ngoài ra, CODE còn tạo cơ hội cho các trường đại học, cao đẳng khác học hỏi cách RMIT Việt Nam ứng dụng kỹ thuật số trong dạy và học, bao gồm chương trình RMIT Access vừa ra mắt vào đầu năm nay.
Financial Trading Lab - Phòng Giao dịch chứng khoán ảo tại CODE, cho phép sinh viên tìm hiểu thực hành mô phỏng môi trường làm việc kỹ thuật số. Ảnh: LV. Được biết, RMIT Access là sáng kiến chuyển sang dùng nguồn tài liệu số nhờ trang bị các công nghệ và thiết bị hỗ trợ việc học hiệu quả hơn. Chương trình được áp dụng toàn trường nhằm đảm bảo các tài liệu học được thể hiện theo cách mà mọi sinh viên đều có thể sử dụng. Ví dụ, phần mềm đọc màn hình giúp sinh viên khiếm thị có thể nghe các tài liệu học, trong khi sinh viên khiếm thính có thể đọc các đoạn video nhờ phần mềm chuyển âm thanh thành văn bản. Chương trình đã tiếp nhận và hỗ trợ 67 trường hợp, và sẽ tiếp tục hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn để họ thành công hơn trong học tập.
Lam Vân