SpStinet - vwpChiTiet

 

Bạn đang ở đâu? - Hãy xác định vị trí với 3 từ đơn giản

Làm sao để tìm đường đến một nơi không có địa chỉ?

Thế giới ngày càng hiện đại nhưng con người vẫn vất vả với những việc cỏn con như giao hàng đến đúng địa chỉ. Thật bất ngờ! Khoảng 135 quốc gia (tương đương 75% khu vực trên thế giới) hiện có nhiều nơi thiếu địa chỉ chính xác. Thư từ thất lạc, hàng giao chậm trễ, du lịch khó khăn… chỉ là những phiền toái vặt vãnh ở các nước tiên tiến. Nhưng ở nhiều nơi khác, thiếu địa chỉ có thể khiến kinh tế mãi làng nhàng, cuộc sống hoài bấp bênh. Hơn 4 tỷ người thiếu địa chỉ là chừng đó người thiệt thòi. Họ không thể liên lạc, không chứng minh thư, không tài khoản ngân hàng, không nhận được viện trợ, khó tìm được việc làm, thậm chí không được bầu cử. Những thiếu thốn về nguồn nước, trường học, nhà ở… của họ cũng hóa “vô hình” trước mắt chính phủ.

Nhưng rồi “cứu tinh” xuất hiện. Năm 2013, What3Words (W3W), một công ty khởi nghiệp Anh đã tìm ra giải pháp để xác định và chia sẻ địa chỉ cho toàn thế giới. Công nghệ có khả năng thay đổi tương lai này hóa ra chỉ là một đoạn mã nhỏ chừng hơn 10Mb, linh hoạt, dễ tích hợp vào nhiều nền tảng và thiết bị. Vẻ đẹp của ý tưởng nằm ở chỗ, để giải quyết một thách thức toàn cầu, bạn chỉ cần một kết hợp gồm 3 từ đơn giản.

“Từ.từ.từ” – Công thức đơn giản nhưng mang tính cách mạng

W3W chia thế giới thành mạng lưới 57 nghìn tỷ ô vuông cỡ 3 m x 3 m và đặt cho mỗi ô một địa chỉ độc nhất ghép lại bởi 3 từ. Mỗi cụm 3 từ tương ứng một vị trí cụ thể. Thuật toán kết hợp ngẫu nhiên từng cụm 3 từ, có tính đến độ dài, chính tả, phát âm… nhằm giảm thiểu khả năng sai sót và sàng lọc từ thô tục. Ví dụ: địa chỉ trụ sở W3W tại London là “index.home.raf”, địa chỉ Nhà Trắng là “sulk.held.raves” hay tượng Nữ thần Tự do là “planet.inches.most”. Chỉ cần vào ứng dụng hoặc trang web What3words, nhập địa chỉ 3 từ cách nhau dấu chấm, ứng dụng sẽ chỉ đường đến nơi bạn cần chính xác trong phạm vi 9 m2. Đặc biệt, ứng dụng sử dụng được cả khi ngoại tuyến, tức không cần nối mạng.

 
What3Words đặt cho mỗi 9 mét vuông một địa chỉ 3 từ.   Vị trí của người đàn ông trong ảnh là “horizon.chords.mainland”.

Nhưng tại sao lại là 3 từ mà không phải 1, 2 hay, 4? Chris lý giải, để đặt tên cho 57 nghìn tỷ ô vuông, 1 từ thì chưa đủ, 2 từ vẫn còn thiếu, 3 từ thì vừa đủ và còn dư, nhưng 4 từ lại quá thừa.Ở những nơi thiếu địa chỉ, khi những ứng dụng chỉ đường khác “bó tay” là lúc W3W phát huy hiệu quả. “Mục đích của chúng tôi không phải là thay thế địa chỉ đường phố hiện tại mà là giúp xác định địa điểm chính xác hơn”. Địa chỉ đường thì khó chỉ ra vị trí chính xác, tọa độ GPS thì phức tạp và rối rắm, nhưng mọi người sẽ dễ nhớ một cụm 3 từ. Sử dụng cụm từ thay cho kiểu tọa độ số phức tạp, W3W không chỉ đảm bảo mọi nơi đều có địa chỉ mà còn giúp tìm đường và chỉ đường dễ dàng. Chris Sheldrick, Giám đốc Điều hành W3W chia sẻ với Wired.co.uk: "Để tìm địa điểm, nói ra 3 từ thì dễ hơn là ghi địa chỉ hay giải thích dài dòng.”

Theo nghiên cứu “So sánh khoảng nhớ tức thời cho chữ số, chữ cái, và từ” của Crannell và Parrish (Tạp chí Tâm lý học, 1957), mọi người dễ tiếp nhận thông tin dưới dạng “từ” hơn “chữ số” hay “chữ cái”.

Câu chuyện đằng sau W3W

W3W đồng sáng lập bởi Chris Sheldrick, Jack Waley-Cohen, Mohan Ganesalingam và Michael Dent vào tháng 7 năm 2013. “Cũng là cơ duyên”, Chris  Sheldrick kể lại. Trước đó Chris từng là nhà sản xuất âm nhạc. Hơn chục năm trong nghề là từng ấy thời gian anh vất vả với chuyện “địa chỉ”. Mỗi chuyện tập hợp đầy đủ ban nhạc lẫn thiết bị đến đúng nơi, đúng lúc cũng nan giải không ngờ. "Bạn đưa một địa chỉ cho 40 người và họ thường xuất hiện ở 40 địa điểm khác nhau", Sheldrick than thở về sự mập mờ của các ứng dụng chỉ đường. Định vị bằng GPS - dùng vĩ độ và kinh độ - cũng không khá hơn. Một sai sót nhỏ trong tọa độ từng khiến mớ nhạc cụ của Chris bị “rải” khắp Rome.

“Nên tôi đã tìm giải pháp”, Chris nói, “một hệ thống dễ sử dụng và ít bị lỗi hơn tên đường hay tọa độ”. Chris chia sẻ ý tưởng với các đồng sự và Mohan Ganesalingam viết thuật toán đầu tiên ở mặt sau một chiếc phong bì. Bằng sáng chế số WO/2014/170646 được cấp vào tháng 10-2014 với tên gọi “A METHOD AND APPARATUS FOR IDENTIFYING AND COMMUNICATING LOCATIONS”, chính thức khai sinh hệ thống địa chỉ mới đầy hứa hẹn.

Ban đầu, các nhà sáng chế chỉ kỳ vọng tổ chức sự kiện được suôn sẻ, nhưng tiềm năng của công nghệ đã sớm vượt khỏi lĩnh vực âm nhạc và cả thành phố London. Không chỉ làm lợi cho những người chưa có địa chỉ, ứng dụng còn mở rộng để kết hợp với những dịch vụ hiện hành. “Thành quả vượt xa hình dung ban đầu", Chris nói. Nếu thuận lợi, W3W có thể trở thành hệ thống địa chỉ phổ quát với mọi thứ tiếng trên thế giới.

W3W đang thay đổi thế giới ra sao?

W3W đang có mặt trong nhiều ngành công nghiệp ở hơn 170 quốc gia. Hệ thống có sẵn hơn 11 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Khách hàng của W3W gồm các công ty hậu cần, giao thông, du lịch, bán lẻ và tổ chức phi chính phủ. Châu Á vẫn là thị trường tốt nhất, tính đến hiện tại. Doanh nghiệp châu Á kỳ vọng gì ở W3W? Một hệ thống địa chỉ hiệu quả giúp giảm chi phí vận chuyển – rào cản mà họ đang nỗ lực phá bỏ nhằm tiếp cận khu vực nông thôn. Trang web hg2.com đã liệt kê danh sách những quán ăn, cửa hàng và khách sạn tốt nhất ở hơn 50 thành phố có địa chỉ 3 từ cho khách du lịch tham khảo.

Trong khi doanh nghiệp bị tính phí thì W3W miễn phí cho cá nhân, chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận. Tại Mông Cổ, hệ thống bưu chính tiên phong sử dụng W3W từ năm 2016 để cải thiện dịch vụ chuyển phát. Ví dụ, địa chỉ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Mông Cổ có thể thay đổi từ “Phố Denver 3, Quận 11, Ulaanbaatar 14190, Mông Cổ” thành cụm từ đơn giản hơn “constants.stuffy.activism”. Với 30% dân số sống du mục trên diện tích hơn 1,5 triệu km2, bưu điện Mông Cổ thường gặp phải những địa chỉ như “đối diện trạm xăng X, gần quán cà phê Y”. Địa chỉ 3 từ sẽ giúp giao dịch thuận lợi trong khi chờ mọi nơi có địa chỉ chính thức – vốn phải mất nhiều thời gian và tốn kém. Sau Mông Cổ, Bờ Biển Ngà cũng rục rịch áp dụng công nghệ này cho hệ thống địa chỉ quốc gia.

W3W có thể dùng ngoại tuyến nên rất đắc lực ở nơi bị thảm họa hoặc thiếu dịch vụ di động. Liên Hiệp Quốc đang dùng W3W trong ứng phó thiên tai, Ngân hàng Thế giới dùng giám sát sự bùng phát dịch tả, Hội chữ Thập đỏ Quốc tế sử dụng để tìm kiếm các trung tâm y tế trên thế giới. Giles Rhys Jones, Giám đốc Tiếp thị của W3W nói: "Nếu bạn bị thương trên sườn núi, thật khó để mô tả bạn đang ở đâu. Vấn đề của tọa độ GPS là nếu tôi cố gắng hét lên 18 chữ số trên điện thoại trong khi tôi bị căng thẳng quá mức, thế nào cũng mắc lỗi”. Trong các tình huống khẩn cấp như vậy, W3W trở nên hữu dụng.

Kể từ 2013, W3W nhận hơn 15 triệu USD từ các quỹ Intel Capital Leader, Horizon Ventures… Năm 2015, công ty đoạt giải Cannes Lions Grand Prix cho ý tưởng đổi mới sáng tạo. Sau 4 năm thành lập, W3W vẫn tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà đầu tư, đặc biệt là các thương hiệu xe hơi tự hành và máy bay không người lái. Deutsche Bahn, công ty vận tải lớn nhất nước Đức, cũng rót vốn cho W3W. Giám đốc Kinh doanh của W3W, Clare Jones, cho biết trên Startup-Autobahn, W3W đang tập trung vào khả năng định hướng bằng giọng nói. Trong tương lai bạn chỉ cần nói 3 từ, ví dụ như “Bắp cải.Cái thìa.Túi trà” để định tuyến xe đến một vị trí chính xác, ở bất cứ đâu trên thế giới.

 
Tài xế sử dụng phiên bản tiếng Mông Cổ của W3W ở thành phố Ulaanbaatar.   Ứng dụng du lịch nổi tiếng TripGo đã được tích hợp W3W.

W3W có thật sự tối ưu?

W3W giành không ít giải thưởng nhưng vẫn chịu lời ra tiếng vào. Tom Lee, chuyên gia dữ liệu của Mapbox nói với Atlantic.com: “Nếu muốn tìm một địa điểm [trên W3W], bạn phải thông qua công ty trung gian này và chịu sự kiểm soát độc quyền. Thật tệ.” Theo ông, một công ty tư nhân nắm trong tay cơ sở hạ tầng công cộng sẽ có thể bòn rút tiền từ bất cứ ai, kể cả chính phủ. Còn theo Leigh Dodds, một chuyên gia dữ liệu Anh, W3W có thể tối ưu khi vận chuyển thư từ, hàng hóa, nhưng khó tạo được một cơ sở dữ liệu hợp pháp tương xứng với tọa độ GPS. Ngoài ra, hệ thống chỉ mới hỗ trợ một vài ngôn ngữ cũng là nhược điểm. Về phía W3W, Chris Sheldrick chia sẻ với Gulf News, “Chúng tôi muốn có mặt ở mọi nơi cần đến địa chỉ. Nhưng cho đến khi hệ thống được chính phủ công nhận, bạn không thể sử dụng vào các mục đích pháp lý”. Anh nói thêm, “Công ty cũng chưa có kế hoạch cho điều này”, "Chúng tôi chỉ là những người viết phần mềm, chưa phải là những nhà giải cứu thế giới."

Thảo Nhiên (CESTI)

Tải bài viết tại đây

Các tin khác: