SpStinet - vwpChiTiet

 

Ô nhiễm ánh sáng đe dọa việc thụ phấn của cây

Ánh sáng nhân tạo làm gián đoạn việc thụ phấn cho phôi vào ban đêm, làm giảm sản lượng quả của cây. Thiếu mất quá trình thụ phấn ban đêm sẽ không thể bù đắp được bằng quá trình thụ phấn vào ban ngày. Tác động tiêu cực của ánh sáng nhân tạo vào quá trình thụ phấn ban đêm có thể còn ảnh hưởng cả đến quá trình thụ phấn vào ban ngày, theo các nhà sinh thái học của Đại học Bern.

Bên cạnh việc số lượng ong và các loài côn trùng giúp cho việc thụ phấn ban ngày khác đang suy giảm mạnh trên toàn thế giới do bệnh tật, ký sinh trùng, thuốc trừ sâu, biến đổi khí hậu và tiếp tục mất môi trường sống, nghiên cứu của nhóm Eva Knop từ Viện Sinh thái và sự tiến hóa (Đại học Bern) lần đầu tiên cho thấy, sự thụ phấn cho phôi vào ban đêm có thể bị ảnh hưởng bởi ánh sáng nhân tạo.

Trong 20 năm gần đây, lượng phát thải ánh sáng ban đêm đã tăng 70%, đặc biệt là ở các khu dân cư. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, ban đêm, có gần 300 loài côn trùng đã tiếp cận hoa của khoảng 60 loài thực vật trên các cánh đồng không có ánh sáng nhân tạo. Ở những cánh đồng có bố trí các thiết bị chiếu sáng thực nghiệm bằng đèn LED, các chuyến viếng thăm của côn trùng giúp thụ tinh cho hoa vào ban đêm thấp hơn 62% so với các khu vực không chiếu sáng.

Sự giảm sút lượng côn trùng tiếp cận hoa vào ban đêm đã làm giảm năng suất của các loại cây. Với cây bắp cải (Cirsium oleraceum), các đầu nhụy hoa của cây có nhiều phấn và mật nên là loài cây được côn trùng viếng thăm nhiều nhất vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Nhóm nghiên cứu xem xét 100 cây cải bắp đang phát triển trên 5 khu vực thí nghiệm có chiếu sáng bằng đèn LED và 5 khu vực không chiếu sáng. Kết quả, các cây được chiếu sáng ít có côn trùng thăm viếng vào ban đêm hơn là các cây ở khu vực không chiếu sáng. Sự suy giảm này có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình thụ phấn của cải bắp: cuối giai đoạn thử nghiệm, số lượng quả trung bình trên mỗi cây thấp hơn nhóm đối chứng khoảng 13%. "Việc thụ phấn trong ngày rõ ràng không thể bù đắp cho những tổn thất ban đêm", Knop nói.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc thụ phấn vào ban đêm cũng gián tiếp thúc đẩy việc thụ phấn ban ngày. Bản chất vấn đề tuy còn chưa thực sự sáng tỏ, nhưng có thể nguyên nhân là do cây trồng cứng cáp hơn nhờ các thụ phấn vào ban đêm, do đó cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn cho quá trình thụ phấn ban ngày.

"Phải thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu các hậu quả do gia tăng phát thải ánh sáng hàng năm đối với môi trường", Knop cho biết.

Các tin khác: