Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 cho 2 nhà khoa học có công trình xuất sắc trong lĩnh vực Toán học và Hóa học.
Tham dự buổi Lễ có UV BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; UV BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; UV BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên BCH TW Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt; nguyên UV BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Phạm Công Tạc, cùng các thành viên thuộc Ban Tổ chức giải thưởng; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành; các nhà khoa học có uy tín thuộc các Viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong cả nước và các cơ quan báo chí.
Tới dự Lễ trao giải còn có các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban KHCN&MT Quốc hội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; các đồng chí đại diện cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, tham dự Lễ trao giải còn có GS. TS. Pierre Darriulat, người đã đồng hành cùng Giải thưởng Tạ Quang Bửu suốt 3 năm qua; các nhà khoa học nhận giải thưởng năm 2017 cùng nhiều doanh nghiệp, cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Tôn vinh các nhà khoa học có công trình mang tầm quốc tế
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng ghi nhận và tôn vinh các nhà khoa học có công trình nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc. Trong 4 năm vừa qua, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã khẳng định được uy tín trong cộng đồng khoa học Việt Nam, được các nhà khoa học quan tâm và ủng hộ. Trong các năm 2014, 2015 và 2016, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao tặng cho 09 nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc trong các lĩnh vực: Toán học - 3 giải thưởng, Vật lý - 3 giải thưởng, Khoa học Trái đất và Môi trường - 2 giải thưởng, Khoa học Thông tin và Máy tính - 1 giải thưởng. Năm nay, lĩnh vực toán có thêm 1 giải thưởng vươn lên dẫn đầu và riêng lĩnh vực hóa học, đây là lần đầu tiên đoạt giải thưởng.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu - giải thưởng của Bộ KH&CN do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia làm Cơ quan thường trực được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Giải thưởng được triển khai từ năm 2013, trong 4 năm vừa qua, Giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày càng khẳng định được uy tín trong cộng đồng khoa học Việt Nam, được các nhà khoa học quan tâm và ủng hộ. Các lĩnh vực của Giải thưởng bao gồm: Toán học, Khoa học máy tính và thông tin, Vật lý, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Khoa học sự sống – Y sinh Dược học, Khoa học sự sống – Sinh học Nông nghiệp, Cơ học.
GS. TSKH. Đinh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng giải thưởng cho biết, năm 2017, Ban Tổ chức Giải thưởng đã tiếp nhận 30 hồ sơ đăng ký. Các Hội đồng Khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia đã đánh giá và đề cử 4 hồ sơ để đánh giá tại Hội đồng Giải thưởng. Ngày 28/4/2017, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu (HĐGT) đã họp phiên chính thức đánh giá 04 hồ sơ đề cử. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã quyết định trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 cho hai nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao giải thưởng cho 2 nhà khoa học
Đó là, công trình “On the Peterson hit problem” của PGS.TS. Nguyễn Sum và công trình “Giao H. Dang, Thinh T. Dang, Dung T. Le, Thanh Truong, Nam T. S. Phan, 2014. Propargylamine synthesis via sequential methylation and C-H functionalization of N-methylanilines and terminal alkynes under metal-organic-framework Cu2(BDC)2(DABCO) catalysis, Journal of Catalysis, Vol. 319, 258–264" của GS. TS.Phan Thanh Sơn Nam.
Chú trọng phát triển nghiên cứu cơ bản
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản, văn kiện quan trọng khẳng định KH&CN là động lực, là cấu thành quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Khoa học cơ bản có vai trò đặc biệt quan trọng, trong việc tạo ra kiến thức nền tảng cho sự phát triển và duy trì môi trường nghiên cứu, môi trường đào tạo chất lượng cao. Đây cũng là yếu tố sống còn để hình thành lực lượng nghiên cứu khoa học xuất phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ trao giải
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định, tầm quan trọng của khoa học cơ bản được thể hiện qua nhiều Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 20 về phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trong đó khá nhiều nội dung nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nghiên cứu cơ bản như: tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu hoạch định đường lối chính sách để phát triển đất nước, quan tâm đến nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, ưu tiên một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Việt Nam có lợi thế, đặc biệt xây dựng một số Chương trình nghiên cứu cơ bản trong một số lĩnh vực như Toán, Vật lý, Khoa học sự sống, … Mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ cũng đã có những đầu tư đáng kể cho nghiên cứu cơ bản. Nhằm phát triển mạnh hơn nữa nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam, ngày 24/03/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020.
Gần đây nhất, ngày 25/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 – 2025. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế; Phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng trong các cơ sở giáo dục đại học, góp phần hình thành các trường đại học nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 mỗi lĩnh vực hình thành 15 - 20 nhóm nghiên cứu mạnh; Nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu đến năm 2025, một số ngành đứng thứ 3 - 4 trong trong khối các nước ASEAN; Tăng số lượng công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, trung bình hằng năm từ 20 – 25%, đối với ngành Khoa học biển từ 10 - 15%.
Phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định giải thưởng Tạ Quang Bửu thực sự là giải thưởng của các nhà khoa học. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Phó Thủ tướng luôn theo dõi sự phát triển của KH&CN và luôn suy nghĩ tới đây phải làm những cái gì để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội như các văn bản của Đảng và Chính để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian qua ngành KH&CN đã kế thừa được những thành tựu KH&CN của những năm trước và đã có những nỗ lực, đổi mới đáng mừng. KH&CN đã thu hút được nhiều nhà khoa học trẻ, nhà khoa học không chuyên đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu,…
Phát biểu tại Lễ trao giải, GS. TS. Phan Thanh Sơn Nam cho rằng, nghiên cứu ứng dụng là quan trọng, và cho dù đó là các phát minh cải tiến của những người nông dân thì cũng cần phải được trân trọng. Tuy nhiên, chắc chắn nghiên cứu cơ bản cũng là tối quan trọng, có sứ mệnh sáng tạo ra những tri thức mới cho nhân loại. Phải có một nền khoa học học cơ bản vững chắc mới đủ sức nâng khoa học ứng dụng lên một tầm cao mới.
PGS. TS. Nguyễn Sum cũng xúc động chia sẻ "Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức giải thưởng, đến Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đã tài trợ cho công trình này. Tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng khoa học ngành Toán của Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia, Hội đồng giải thưởng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã tin tưởng trao cho tôi vinh dự lớn lao này. Đặc biệt, tôi còn hạnh phúc nhiều hơn khi công trình mà nhờ nó tôi được nhận giải thưởng là công trình tôi đề tặng ngày sinh nhật thứ 60 của thầy hướng dẫn chính của tôi, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng. Được nhận giải thưởng danh giá này, mặc dù tuổi của tôi hiện nay đã nằm ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, nhưng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình trong nghiên cứu khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học để đóng góp những kết quả có chất lượng tốt, xứng đáng với vinh dự mà tôi được nhận hôm nay" PGS. TS. Nguyễn Sum bày tỏ.
Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn