SpStinet - vwpChiTiet

 

Điểm tựa để sản phẩm của tiểu nông vươn xa

Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nhà nông và vươn ra thế giới là thành quả của cây cacao Vauatu, một đất nước nhỏ bé khu vực Thái Bình Dương.

Các đảo của Vanuatu rất thích hợp để trồng cây ca cao (Ảnh: Flickr/Phillip Capper)

Nước Cộng hòa Vanuatu (Vanuatu) là quần đảo hội tụ 83 hòn đảo, tổng diện tích trên 1.000 km2, ở Tây Nam Thái Bình Dương, phía Đông Bắc nước Úc; trên đảo hầu hết là núi non, 75% diện tích bao phủ bởi các khu rừng nhiệt đới; dân số 286 ngàn người (năm 2016), sinh sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp. Đất nước nhỏ bé này mới giành được độc lập vào tháng 7/1980, thủ đô là  Port Vila.

Trước kia, không ai nghĩ rằng Vanautu là nơi thích hợp để trồng ca cao, loại cây vốn thuộc về vùng Nam Mỹ. Vào những năm 1870, cây cacao được đưa vào trồng ở Vanuatu, và tiếp tục phát triển vì phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Tuy nhiên, như ở bất kỳ quốc gia nào, những nông hộ nhỏ lẻ tự mình khó có thể nâng cao chất lượng nông sản, định hướng phát triển sản xuất, kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Vanuatu cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, ở quần đảo nhỏ bé này, cây cacao đã có bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây, trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tạo sinh kế và nâng cao mức sống cho nông dân Vanuatu. Có được thành quả này là nhờ sự liên kết hỗ trợ của chính phủ, hiệp hội, các doanh nghiệp và trường đại học nước ngoài.

Dưới sự hỗ trợ của Pháp và Liên minh châu Âu, thông qua dự án POPACA (Projet d’Organisation des Producteurs pour la Commercialisation Associative), Hiệp hội những người trồng cacao (CGA - Cocoa Grower’s Association) của Vanuatu được thành lập và hoạt động từ năm 2006. CGA trực tiếp giúp nông dân nâng cao chất lượng hạt cacao để có thể bán được cho các công ty nước ngoài với giá cao.

Dựa vào dự án POPACA, nhiều hợp tác xã được thành lập, tạo điều kiện gắn kết nông dân với các hoạt động hỗ trợ người trồng cacao của CGA. Đó là các hoạt động trước đây chưa từng có ở Vanuatu như nghiên cứu phát triển cây cacao, thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện về quản trị nông trang, cách quản lý vụ mùa và kiểm soát dịch bệnh; cách làm tăng chất lượng hạt cacao, ứng dụng kỹ thuật sấy mới; cách quản trị doanh nghiệp, tiếp cận và tìm kiếm thị trường cũng như theo dõi những biến động về giá của cacao quốc tế. Nông dân sản xuất cacao ở Vanuatu gia tăng thu nhập vì kiểm soát được chất lượng hạt cacao, giá bán ra ổn định ở mức cao nhờ CGA trực tiếp thu mua từ các hợp tác xã không phải qua trung gian. Chỉ một thời gian ngắn sau khi CGA được thành lập, hạt cacao Vanuatu thu hút sự quan tâm từ các công ty sản xuất sôcôla quốc tế. 

PARDI (Pacific Agribusiness Research & Development Initiative), tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ra đời vào năm 2010, thuộc chương trình viện trợ nước ngoài của Úc. Mục tiêu của PARDI nhằm nghiên cứu phát triển sinh kế bền vững cho các quốc gia Nam Thái Bình Dương. Dự án của PARDI ở Vanuatu tập trung nghiên cứu các nơi trồng cây cacao và nghiên cứu sâu về chuỗi giá trị cacao.

PARDI đã tạo điều kiện kết nối các nông hộ nhỏ ở Vanuatu và những đơn vị mua hạt cacao trên thế giới. Những đơn vị này có khả năng hỗ trợ về kỹ thuật để nâng chất lượng, điều này vô cùng cần thiết để cacao Vanuatu vươn ra thế giới. Ví dụ như các công ty sôcôla nổi tiếng của Úc là Haigh’s Chocolates (Haigh’s) và Bahen & Co. (Bahen) đã đánh giá chất lượng hạt cacao Vanuatu và đưa ra những lời khuyên về chất lượng, các yêu cầu để có thể tăng giá trị hạt cacao, tạo lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Ngoài ra, dự án của PARDI cũng thực hiện các khóa huấn luyện và giới thiệu cách thức sản xuất tiên tiến, giúp nông dân Vanuatu tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức các hoạt động thu hút nền công nghiệp sôcôla quốc tế. Qua hỗ trợ của PARDI, cacao Vanuatu được bán trên thị trường thế giới thông qua sản phẩm sôcôla của Haigh’s và Bahen, đồng thời, thiết lập liên kết với các công ty sản xuất sôcôla khác của Úc, khối EU, Singapore, New Zealand và nhiều nước khác. Sự hỗ trợ kết nối của PARDI đã giúp nông dân Vanuatu đảm bảo sản xuất được hạt cacao chất lượng, bán giá cao trên thị trường.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu là việc quan trọng phải thực hiện để bán sản phẩm trên thị trường thuận lợi. Nhờ sự liên kết và hỗ trợ từ nước ngoài, đặc biệt từ Úc, cacao của Vanuatu đã được “đứng trên vai ông lớn” để tiến vào thị trường thế giới. Sản phẩm sôcôla của Haigh’s có ghi nguồn gốc cacao từ Vanuatu, điều này mang lại lợi ích cho cả hai, đó là nguồn gốc sôcôla Haigh’s rõ ràng, đồng thời tạo nên sự chú ý của ngành công nghiệp sôcôla thế giới đến hạt cacao của Vanuatu.

Sôcôla của Haigh’s ghi nguồn gốc cacao từ Vanuatu. Ảnh: https://www.haighschocolates.com.au

Để thiết lập quan hệ thương mại quốc tế giữa khách hàng mua cacao, nông dân địa phương, những nhà sản xuất và xuất khẩu, PHAMA (Pacific Horticultural and Agricultural Market Access) là chương trình được tài trợ bởi Chính phủ Úc và New Zealand đã tổ chức những đoàn khách viếng thăm các trang trại sản xuất cacao ở Vanuatu. Khách viếng thăm là đại diện các hãng sản xuất sôcôla trên thế giới như công ty Dandelion Chocolate (Mỹ), Hogarth Chocolates (New Zealand), Jasper and Myrtle (Úc),  Le Cercle du Cacao (Bỉ),... Khách được tham quan điều kiện trồng cacao tại trang trại, cách chăm sóc, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch như việc lên men và sấy khô hạt cacao.

Thách thức lớn nhất của nông dân ở Vanuatu là các đảo có độ ẩm cao nên việc sấy khô hạt cacao khó khăn, và phải sấy sao cho hạt cacao không bị ám khói mới cải thiện được chất lượng. Theo Rebecca Bogiri, điều phối viên PHAMA, chương trình đã thử nghiệm sấy hạt cacao bằng năng lượng mặt trời, đồng thời huấn luyện nhân viên kiểm nghiệm cải thiện khả năng kiểm tra chất lượng mẫu sản phẩm cacao xuất khẩu. Các chuyến viếng thăm thương mại đã tạo cơ hội xuất khẩu với giá tốt cho các hạt cacao sấy bằng năng lượng mặt trời.

Basile Malilibacrin, Giám đốc điều hành CGA cho biết: “Các đoàn khách thương mại viếng thăm là cơ hội để thúc đẩy cacao Vanuatu ra thị trường thế giới. CGA làm việc với nông hộ thành viên và cả những hộ không là thành viên về chuỗi cung ứng nhằm duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu; đồng thời tìm kiếm cơ hội để cải thiện chất lượng hạt cacao, hệ thống lên men và gen cây cacao. Trái bóng hiện đang trên sân nhà và chúng tôi dự kiến huấn luyện nông dân sản xuất cacao chất lượng để thu hút khách hàng có khả năng mua giá cao. Chúng tôi muốn bán cacao với giá cao hơn, đó là lý do để chúng tôi nỗ lực cải tiến cách thức sản xuất nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm cacao để đảm bảo tìm được thị trường tốt hơn”.

ACTIV (Alternative Communities Trade in Vanuatu), tổ chức phi lợi nhuận địa phương liên hiệp các hiệp hội, hợp tác xã, những nhà sản xuất nhỏ nhằm tạo mối liên kết trong cộng đồng để hỗ trợ sản xuất và cải thiện cuộc sống của nông dân, phát triển bền vững. ACTIV đã mở xưởng sôcôla đầu tiên, “Aelan Chocolate Makers”, để hỗ trợ những hộ trồng cacao qui mô nhỏ cải thiện chất lượng hạt cacao và tăng thu nhập. Sôcôla Aelan được làm thủ công, có hương vị riêng từ những hạt cacao của các loài cacao khác nhau, trồng tại các đảo khác nhau của Vanuatu, nhắm tới thị trường địa phương và khách du lịch. Mục đích của việc làm này là ngoài việc tạo đặc trưng riêng, điều quan trọng hơn là theo dõi chất lượng và hiệu ứng của thị trường đối với các loại sản phẩm sôcôla để định hướng phát triển cây cacao. Sôcôla Aelan xuất hiện trên thị trường vào tháng 2/2015 với ba loại sôcôla đen 70% có nguồn hạt cacao trồng tại ba đảo Malekula, Epi và Santo. Lợi tức thu được từ Aelan Chocolate sẽ được tái đầu tư nâng cấp xưởng sản xuất, cũng như hỗ trợ nông dân nâng chất lượng cacao và cải thiện cuộc sống thông qua các hoạt động của ACTIV, đồng thời đảm bảo công nghiệp cacao phát triển bền vững.

Năm 2017, Aelan được trao ba huy chương bạc tại New Zealand Chocolate Awards cho ba sản phẩm sôcôla đen từ ba đảo Malo, Malekula, Santo và huy chương đồng cho sôcôla đen từ đảo Epi. Đây là cơ hội để cacao Vanuatu tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường ở New Zealand, các nước châu Âu, và ra thị trường thế giới.

  

Giai đoạn 2009-2013, Vanuatu xuất khẩu cacao trung bình hàng năm đạt 5 triệu USD, chiếm 5% tổng giá trị xuất khẩu. Năm 2014, Vanuatu có khoảng 9.000 nông hộ sản xuất hạt cacao, chủ yếu bán cho các công ty sản xuất sôcôla nước ngoài, từ các công ty lớn đến công ty nhỏ và vừa thông qua các hợp tác xã và các dự án quốc tế, giá mỗi ký hạt cacao gần gấp đôi năm 2009. Nhờ đó, nông dân có thể đầu tư trở lại cho sản xuất, nâng chất lượng hạt cacao và thu hút thị trường quốc tế. Nền công nghiệp cacao Vanuatu lớn thứ ba trong khu vực Nam Thái Bình Dương, lượng xuất khẩu hàng năm hơn 1.000 tấn, là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của Vanuatu, tạo nguồn thu nhập chủ yếu cho 25% cho các hộ gia đình.

Dù Vanuatu khó trở thành một trong những nước xuất khẩu cacao hàng đầu thế giới, nhưng với những nỗ lực trong nước và hỗ trợ từ nước ngoài, cacao nước này sẽ được xuất khẩu thông qua nhiều công ty sản xuất sôcôla trên thế giới. Theo Basile Malilibacrin, dự án cải thiện các trang trại cacao đã làm thay đổi cuộc sống của nông dân địa phương, họ có thể cho con đến trường, có nguồn nước sạch, và mua các sản phẩm giải trí như ti vi hay điện thoại. Người nông dân tin rằng không cần tăng diện tích trồng cacao, mà cần quản lý thích hợp quá trình trồng và sấy khô hạt cacao.

Phương Lan (CESTI)

Các tin khác: