Ảnh hưởng của bột lá khoai mì đến sinh khí methane và tăng trọng của bò thịt
01/08/2016
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Phạm Ngọc Duy, Võ Thị Trà An, Dương Nguyên Khang (Đại học Nông Lâm TP.HCM), Preston T.R (Chương trình Mekarn) thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng các mức độ của của bột lá khoai mì trong khẩu phần thay thế cho cỏ tươi đến sự sản xuất khí methane và sự tăng trưởng của gia súc.
Bột lá khoai mà vừa có chứa một hàm lượng tanin ức chế sự phát triển của vi khuẩn sinh khí methane vừa có chứa hàm lượng protein khá cao. Methane là một chất khí gây hiệu ứng nhà kính. Trong quá trình tiêu hóa bình thường với lên men của vi sinh vật dạ cỏ, trâu bò sản sinh một lượng đáng kế khí methane. Gần đây, nhiều nghiên cứu được triển khai nhằm tìm giải pháp giảm lượng khí thải của thú nhai lại, trong đó có nghiên cứu dùng tanin trong lá khoai mì để giảm hàm lượng khí methane trong dạ cỏ.
Trong nghiên cứu này, thí nghiệm in vivo được tiến hành trên bò lai Zebu, từ 9-15 tháng tuổi, trọng lượng từ 130-280 kg; thí nghiệm in vitro hỗn hợp bột lá khoai mì, cỏ và cám, dung dịch đệm, dịch dạ cỏ (lấy từ lò mổ) được cho vào bình ủ trong điều kiện yếm khí ở 390C.
Theo đó, trong thí nghiệm in vitro, với mức bổ sung 30% bột lá khoai mì trong khẩu phần đã làm giảm lượng khí methane xuống mức 12,15% so với lô đối chứng (chỉ có cỏ và cám) là 17,82%. Trong thí nghiệm in vivo, khẩu phần có 30% bột lá khoai mì (nghĩa là 0,72 kg bột lá khoai mì/100 kg khối lượng bò, tương đương 0,8 kg bột lá khoai mì/con/ngày) đã làm giảm lượng khí methane thải ra trên bò lai Zebu.
Ngoài ra, khi thay thế 30% bột lá khoai mì bằng cỏ tươi trong khẩu phần (cho ăn giới hạn) nuôi bò lấy thịt, mức tăng trọng bình quân đạt từ 425 – 585 gram/con/ngày và mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
LV (nguồn: TC KHKT Nông lâm nghiệp, số 1/2016)