SpStinet - vwpChiTiet

 

Ra mắt văn phòng phía Nam của tổ chức công nhận năng lực phòng thử nghiệm

Ngày 3/11, Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) tổ chức lễ ra mắt Văn phòng đại diện phía Nam (đặt tại địa chỉ 79 Trương Định, quận 1, TP.HCM). AOSC có trụ sở tại Hà Nội, hiện là một trong hai đơn vị duy nhất ở Việt Nam cung cấp dịch vụ công nhận năng lực phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn; công nhận năng lực phòng thử nghiệm theo ISO/IEC 17025:2005 với mã hiệu công nhận là VLAT.  

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Trâm (Giám đốc AOSC), AOSC là một tổ chức khoa học và công nghệ, được thành lập từ năm 2014, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. AOSC là thành viên chính thức của Hiệp hội Công nhận Phòng thí nghiệm châu Á – Thái Bình Dương (APLAC), thành viên thông tấn của Tổ chức Hợp tác Công nhận Phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC). Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của AOSC là là nghiên cứu, ứng dụng những tiêu chuẩn, cách thức, phương pháp tiến hành việc đánh giá sự phù hợp trong hoạt động công nhận; tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia để tiến tới thực hiện việc công nhận chuyên gia đánh giá sự phù hợp và từng bước hội nhập với các tổ chức khu vực và quốc tế.

Sứ mệnh của AOSC là giúp các phòng thử nghiệm nhận biết rõ hoạt động công nhận là dịch vụ khoa học kỹ thuật chứ không phải là một dịch vụ hành chính như những nhầm tưởng trước đây. Điểm khác biệt của dịch vụ AOSC mang lại là: chi phí công nhận trọn gói, theo lĩnh vực công nhận và số chỉ tiêu công nhận, chi phí này được đảm bảo tính công bằng giữa các phòng thử nghiệm, xét nghiệm; cam kết không có sự khác nhau giữa cách bắt lỗi của các chuyên gia công nhận, chuyên gia kỹ thuật, có nghĩa là không có tình trạng hôm nay chuyên gia này nói đạt, ngày mai chuyên gia khác nói không đạt – phải sửa; tập trung đánh giá vào hệ thống chứ không đánh giá tiểu tiết;…

Phòng thử nghiệm được công nhận là một xu hướng tất yếu, giúp nâng cao năng lực kỹ thuật và quản lý của phòng thử nghiệm, đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy của kết quả thử nghiệm, hiệu chuẩn. Quan trọng hơn, kết quả các phép đo lường, thử nghiệm của các phòng thử nghiệm được công nhận đã được nhà nước thừa nhận về tính pháp lý.

Ông Nguyễn Hữu Dũng trình bày về ISO 17025 và việc xã hội hóa hoạt động công nhận tại Việt Nam. Ảnh: LV.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng (Tổng thư ký Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam – VinaLAB), hiện nay các kết quả thử nghiệm, kiểm nghiệm của Việt Nam chưa được tin cậy cao khi ra quốc tế. Điều này phụ thuộc vào trình độ tay nghề nhân viên còn hạn chế do chưa có hệ thống đào tạo thống nhất. Việc tiếp cận các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho phòng thử nghiệm còn khó khăn, nhất là với các phòng thử nghiệm tư nhân. Bên cạnh đó, các yếu tố đảm bảo độ tin cậy của một phòng thử nghiệm như máy móc thiết bị, phương pháp thử, hóa chất, vật tư ở các phòng thử nghiệm trên thế giới đều có chuẩn, còn Việt Nam chưa đáp ứng điều này. Ngoài ra, năng lực quản lý phòng thử nghiệm còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao, máy móc thiết bị đầu tư không đồng đều,… là những nguyên nhân khiến hầu hết các phòng thử nghiệm ở Việt Nam chưa đáp ứng đúng nghĩa là dịch vụ thử nghiệm. Vì vậy, cần có sự tận tâm thực sự bằng cả trái tim của những người làm thử nghiệm; tạo ra một sân chơi công bằng hơn giữa các phòng thử nghiệm trong nước; nâng cao hơn nữa vai trò của những văn phòng công nhận như AOSC.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả