SpStinet - vwpChiTiet

 

Đo độ đàn hồi thụ động của cơ thể để phát hiện ung thư

Phương pháp đo đàn hồi thụ động cho phép hiển thị các hình ảnh ở sâu hơn trong cơ thể mà không xâm lấn so với phương pháp đo độ đàn hồi truyền thống, rất hiệu quả trong hỗ trợ chẩn đoán khối u.

Elastography, công nghệ mới được sử dụng để hỗ trợ siêu âm trong y tế, đo độ đàn hồi của mô sinh học để chẩn đoán bệnh ung thư hoặc bệnh gan và tuyến giáp chính xác hơn và sớm hơn. Theo phương pháp đo đàn hồi thụ động, tính chất đàn hồi của mô được đo nhờ lan truyền sóng biến dạng trong cơ thể, cho phép hiển thị các hình ảnh ở sâu hơn mà không xâm lấn so với phương pháp đo độ đàn hồi truyền thống.

Stefan Catheline, giám đốc nghiên cứu của phòng thí nghiệm INSERM LabTAU 1032 tại Đại học Lyon (Pháp) cho biết: "Có thể xem Elastography thụ động như là một kỹ thuật hữu hiệu để phát hiện ung thư ở các cơ quan sâu trong cơ thể, ví dụ như tuyến tiền liệt, gan, cơ quan được hộp sọ bảo vệ như não hoặc cơ quan mỏng manh như mắt"

Catheline sẽ thảo luận về phương pháp này và những tiến bộ về đàn hồi khác trong chương trình Acoustics '17 Boston, cuộc họp chung lần thứ ba của Hiệp hội Acoustical Society of America và Hiệp hội European Acoustics Association, được tổ chức vào các ngày 25-29/6 tại Boston, Massachusetts (Mỹ).

Các sóng biến dạng được sinh ra khi tạo áp lực lên một vật thể, ví dụ như trong một trận động đất hoặc một vụ nổ. Trong y tế, sóng biến dạng được tạo ra bằng các thiết bị rung động để đo độ cứng của mô.

Một khối u và sự rối loạn chức năng khác của mô sẽ có độ cứng cao hơn nhiều so với mô khỏe mạnh hoặc các khối u lành tính. Sự khác biệt không thể cảm thấy hay nhìn thấy theo cách thức thông thường hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

Thông thường, kỹ thuật viên y tế sẽ đặt đầu dò với cơ chế rung động trên khu vực thử nghiệm và ép xuống để tạo ra các sóng biến dạng tương tác với mô cần kiểm tra. Các sóng được theo dõi qua hình ảnh  với tốc độ cực nhanh. Sóng biến dạng có thể khó tạo ra ở các cơ quan khó tiếp cận như gan, nằm sâu trong cơ thể phía sau xương sườn.

Catheline và các đồng nghiệp của ông đã phát triển cách tiếp cận mới để khắc phục vấn đề này: Phân tích âm thanh của sóng biến dạng được tạo ra. Cũng giống như động đất, sóng biến dạng liên tục di chuyển qua các cơ quan và các mô mềm khác của con người trong suốt quá trình hoạt động của cơ thể, như nhịp đập của  tim hoặc gan khi chúng thực hiện quá trình trao đổi chất hàng ngày.

Catheline nói: "Giống như trong địa chấn học, ý tưởng này là tận dụng các sóng biến dạng tự nhiên trong cơ thể con người do cơ bắp tạo ra để xây dựng bản đồ co giãn của mô mềm. Vì thế, nó là phương pháp tiếp cận đo độ đàn hồi thụ động vì không sử dụng thiết bị để tạo sóng".

Phương pháp đàn hồi thụ động thích hợp với các thiết bị xử lý hình ảnh chậm, ví dụ như các máy quét MRI chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn và máy chụp cắt lớp quang học OCT.

Các tin khác: