SpStinet - vwpChiTiet

 

TP.HCM đẩy mạnh phát triển và ứng dụng GIS

Chiều 15/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo “HCMGIS PLATFORMS - Nền tảng cho ứng dụng GIS TP.HCM” và phát động cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp - sản phẩm GIS TP.HCM năm 2018”. Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ chuỗi sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2018).

Theo đó, Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý TP.HCM (HCMGIS) đã giới thiệu chương trình và kế hoạch triển khai HCMGIS từ nay đến 2020 với một số ứng dụng điển hình, giới thiệu các nền tảng dịch vụ của HCMGIS.

Cụ thể gồm 6 nền tảng dịch vụ là HCMGIS Portal (nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, tài liệu và bản đồ trong hệ thống HCMGIS); HCMGIS Maps (tìm kiếm, thống kê theo không gian và thuộc tính, hiển thị các lớp dữ liệu từ hệ thống HCMGIS Portal); HCMGIS GeoSurvey (thu thập dữ liệu thực địa, hỗ trợ thiết kế tùy biến cấu trúc, biểu mẫu dữ liệu cần thu thập, quản lý tiến trình triển khai các dự án thu thập dữ liệu thực địa theo không gian và thời gian); HCMGIS GeoReference (đăng ký tọa độ cho các ảnh rater – bản đồ quét, bản vẽ, ảnh viễn thám,... đồng thời là cổng thông tin địa lý lưu trữ và chia sẻ các bản đồ đã được đăng ký tọa độ); HCMGIS OpenData (chia sẻ dữ liệu và tài liệu GIS mở cho cộng đồng, phục vụ đào tạo, nghiên cứu, thử nghiệm và các dự án mang tính cộng đồng); HCMGIS StoryMaps (biên tập và trình bày chuỗi thông tin liên quan đến vị trí kết hợp thông tin mô tả, thông tin đa phương tiện và bản đồ).

Đại diện HCMGIS giới thiệu 6 nền tảng dịch vụ của hệ thống HCMGIS. Ảnh: LV.

Thời gian qua, HCMGIS đã phát triển và triển khai nhiều giải pháp trên nền tảng HCMGIS PLATFORMS, được xem là nền tảng cho các ứng dụng GIS của TP.HCM. Trong đó nhiều ứng dụng đã được triển khai cho sở, ngành, quận, huyện, phường xã, doanh nghiệp như hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm; hệ thống quản lý vùng sản xuất rau an toàn; hệ thống quản lý lâm sản và động vật hoang dã; hệ thống GIS quản lý cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương; ứng dụng GIS phục vụ công tác giám sát chất lượng nước và giám sát môi trường cho Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM; ứng dụng GIS quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM; hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN tại Sở KH&CN TP.HCM; ứng dụng GIS phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy; hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 cho các thủ tục hành chính của Sở KH&CN TP.HCM; ứng dụng GIS quản lý nhân - hộ khẩu, hỗ trợ quản lý cấp phép kinh doanh cấp quận huyện, quản lý thu gom rác sinh hoạt, quản lý và quảng bá du lịch;…

Ông Phạm Quốc Phương (Giám đốc HCMGIS) giới thiệu các ứng dụng GIS đã được triển khai. Ảnh: LV. 

Điển hình, ứng dụng GIS quản lý nhân - hộ khẩu đã được triển khai ở quận 9, quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè với các tính năng hỗ trợ quản lý thông tin đến từng nóc gia (quản lý và tra cứu thông tin cơ bản về hộ khẩu, nhân khẩu, số tờ, số thửa, vị trí nóc gia,…) giúp nâng cao hiệu quả trong quản lý trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, kinh tế - văn hóa – xã hội ở cơ sở. Ứng dụng GIS hỗ trợ quản lý cấp phép kinh doanh đã được triển khai tại quận 1, quận 6, quận 7, Phú Nhuận, Bình Tân,… với các tính năng tìm kiếm và quản lý điểm kinh doanh, cập nhật vị trí điểm kinh doanh, kiểm tra điều kiện kinh doanh, báo cáo thống kê. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho phòng kinh tế cấp quận, huyện trong việc quản lý, thẩm định, xét duyệt, cấp phép và hậu kiểm các hồ sơ đăng ký kinh doanh một số ngành nghề có điều kiện một cách nhanh chóng và chính xác trên nền GIS.

Ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) mong muốn thông qua hội thảo đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến giải pháp để phát triển và ứng dụng nhanh, mạnh GIS trong cộng đồng và trong bối cảnh TP.HCM đang xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo.

Ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) chủ trì hội thảo. Ảnh: LV.

Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp - sản phẩm GIS TP.HCM năm 2018” được phát động từ ngày 15-19/10, do Ủy ban Nhân dân TP.HCM phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức, nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đối tượng tham dự cuộc thi là các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; giảng viên, sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên; trường đại học, viện nghiên cứu; các tổ chức, cá nhân khác.

Cuộc thi có 2 nội dung (mỗi nội dung sẽ chọn và trao giải đồng hạng cho 3 sản phẩm, giải pháp tốt nhất) gồm:

+ Ứng dụng các nền tảng HCMGIS (HCMGIS Portal, HCMGIS Maps, HCMGIS GeoSurvey, HCMGIS GeoReference, HCMGIS OpenData, HCMGIS StoryMaps) để giải quyết các bài toán thực tiễn trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, kinh tế - văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, an ninh quốc phòng.

+ Các giải pháp - sản phẩm GIS sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn của thành phố, xây dựng thành phố thành đô thị thông minh; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của thành phố.

Cuộc thi bắt đầu từ ngày công bố 15/10 đến tháng 5/2019 với 5 vòng thi (sơ tuyển, thuyết trình, huấn luyện, chung kết, cấp vốn). Các giải pháp, sản phẩm đoạt giải sẽ được cấp giấy công nhận, cúp lưu niệm của ban tổ chức, tiền thưởng (từ nguồn ngân sách và nguồn tài trợ) và được xét chọn đầu tư hoàn thiện giải pháp, công nghệ, mô hình, sản phẩm từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Sở KH&CN TP.HCM (lên đến 2 tỷ đồng cho mỗi giải pháp, sản phẩm). Lễ công bố và trao giải cuộc thi sẽ tổ chức tại sự kiện kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào tháng 5/2019.

Các đối tượng đăng ký tham dự cuộc thi theo mẫu trên website http://gis2018.hcmgis.vn. Các ý kiến đóng góp và thắc mắc liên quan đến cuộc thi có thể gởi đến email: gis2018@hcmgis.vn.

Thông tin chi tiết và các tin tức về cuộc thi được cập nhật liên tục tại website http://gis2018.hcmgis.vn.

Cùng diễn ra trong buổi chiều ngày 15/10 là hội thảo “Truyền thông thích ứng thời đại công nghiệp 4.0”, nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp nhận diện cơ hội và thách thức khi tiếp cận với công chúng mục tiêu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo xoay quanh các nội dung, tham luận như Trí tuệ nhân tạo (AI) đối với nền báo chí; Trí tuệ nhân tạo trong xây dựng thương hiệu trên truyền thông số và truyền thông đại chúng; Giới thiệu thiết bị tự nghiên cứu, sản xuất, chuyển tin tức hình ảnh ngay từ hiện trường về tòa soạn khi phóng viên đang tác nghiệp; Bản quyền nội dung trong thời đại Internet of Things; Nâng cao năng lực truyền thông cho cộng đồng, hạn chế tác hại tin giả;...

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả