Để đạt được danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập”, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, cũng như tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng và khách hàng quốc tế, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầy đủ quy trình xét duyệt với các tiêu chí như sau:
- Tính pháp lý: gồm giấy đăng ký tham gia; giấy đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; hồ sơ công bố/bản tự công bố chất lượng sản phẩm đăng ký chứng nhận và các kết quả kiểm nghiêm tương ứng; báo cáo quan trắc môi trường.
- Sơ đồ mặt bằng: gồm sơ đồ các khu vực sản xuất, lối đi công nhân, nguyên liệu, rác thải, hóa chất tuân thủ theo nguyên tắc 1 chiều.
- Chương trình tiên quyết: báo cáo giám sát sự tuân thủ Quy phạm thực hành sản xuất tốt (GMP) và Quy phạm thực hành vệ sinh (SSOP).
- Quy trình vệ sinh: các công đoạn sản xuất và các thông số kỹ thuật liên quan đến tính an toàn của sản phẩm.
- Nguyên liệu đầu vào: các biện pháp kiểm soát và cách thức đánh giá nhà cung cấp đối với các loại nguyên liệu, phụ gia, bao bì.
- Vệ sinh công nghiệp: gồm kết quả kiểm nghiệm nguồn nước theo QCVN 01:2009/BYT; kết quả thẩm tra hiệu quả vệ sinh công nghiệp đối với các mẫu có bề mặt tiếp xúc trực tiếp; kết quả kiểm soát côn trùng và động vật gây hại; kiểm soát các loại hóa chất có tiếp xúc với bề mặt thực phẩm.
- Kế hoạch HACCP (hệ thống xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đáng kể đối với an toàn thực phẩm): kế hoạch HACCP hiện đang áp dụng tại doanh nghiệp; hồ sơ thẩm tra kế hoạch HACCP; kết quả hiệu chuẩn các thiết bị, dụng cụ.
- Truy xuất nguồn gốc: hồ sơ truy xuất đối với sản phẩm đăng ký chứng nhận.
Bà Ngô Thị Thu Hà (đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao) trình bày tại buổi hội thảo. - Ảnh: KT.
Bà Ngô Thị Thu Hà cho biết, các hộ nông dân hiện nay chưa biết nhiều về các tiêu chí chất lượng nông sản dẫn đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu so sánh với mặt hàng nông sản của các nước khác, nông sản Việt Nam thường thơm ngon và chất lượng hơn. Vì vậy, sự ra đời của bộ tiêu chuẩn “Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập” nhằm hỗ trợ cho các hộ nông dân và doanh nghiệp tiếp cận với các tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế, đồng thời thuận lợi hơn trong xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài
Cũng tại buổi hội thảo, các phương pháp chẩn đoán đoán tác nhân gây ngộ độc trong thực phẩm chính xác và hiện đại cũng được chuyên gia đến từ phòng Phân tích Kiểm nghiệm Nông sản (trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao) giới thiệu. Các phương pháp bao gồm: phương pháp định lượng tổng số vi sinh vật hiếu khí dựa trên nguyên tắc định lượng ATP (phát quang sinh học ATP); phương pháp ELISA (Enzyme-Linked Immuno Sorbent Assay) giúp phát hiện kháng thể hay kháng nguyên trong mẫu cần phân tích; phương pháp lai phân tử (Hybridization) phát hiện vi sinh vật trong thực phẩm dựa trên sự phát triển của đoạn gen đặc trưng của vi sinh vật qua quá trình lai; phương pháp PCR thời gian thực (Realtime PCR) giúp định lượng chính xác số lượng trình tự DNA trong mẫu thí nghiệm.
Các dịch vụ phân tích, kiểm nghiệm ứng dụng những phương pháp chẩn đoán hiện đại như trên đã và đang được phòng Phân tích Kiểm nghiệm Nông sản triển khai đến khách hàng với các nội dung như: phân tích kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý trong nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, thức ăn gia súc,…; phân tích kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh trong chế phẩm sinh học, nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, thức ăn gia súc,…; phân tích kiểm nghiệm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông thủy sản và thực phẩm chế biến, thức ăn gia súc, gia cầm, chế phẩm sinh học,… cho các tổ chức và cá nhân theo quy định; tư vấn dịch vụ thiết kế phòng thí nghiệm, thiết bị, phương tiện hóa chất phục vụ cho hoạt động kiểm nghiêm chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Phòng Phân tích Kiểm nghiệm Nông sản được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) và ISO 17025:2005 lĩnh vực hóa lý và sinh học.
Các đại biểu tham dự hội thảo. - Ảnh: KT.
Buổi hội thảo là một trong các hoạt động triển khai Chương trình Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thực hiện, với mục đích thúc đẩy và hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời khai thác, phát triển và kết nối cung nguồn cung - cầu công nghệ trên địa bàn thành phố và các tỉnh phía Nam.
Xem video phát lại của hội thảo: phần 1; phần 2