Với diện tích trồng ớt hàng năm khoảng 26.000ha, Việt Nam có nhu cầu hạt giống ớt hàng năm khoảng 2,6 tấn, với giá trị khoảng 2 triệu USD. Trừ một số ít giống ớt OP (open pollination) được trồng với diện tích nhỏ tại một số địa phương, đa số các giống ớt được nông dân sử dụng hiện nay là các giống F1 có nguồn gốc từ các công ty nước ngoài được các công ty trong nước nhập về bán (hoặc nhận bố mẹ về sản xuất F1 rồi bán). Do vậy cần thiết phải thúc đẩy quá trình chọn tạo giống ớt trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nguồn hạt giống rau nói chung và giống ớt nói riêng.
Đề tài tiến hành với bộ vật liệu chọn giống gồm 50 giống/dòng ớt cay, thuộc nhóm ớt chỉ địa (ớt sừng). Các nội dung nghiên cứu gồm đánh giá nguồn vật liệu chọn giống khởi đầu; chọn tạo 2 cặp dòng A/B và 2 dòng R triển vọng; vi nhân giống quang tự dưỡng dòng bất dục đực bào chất CMS (dòng A) và tính ổn định của các quần thể được nhân giống qua các đợt cấy chuyền.
Theo đó, quy trình định danh các dòng A (CMS), B và R đã được hoàn tất với marker Orf456 (băng 500 bp) nhận diện yếu tố CMS trong tế bào chất và marker CRFSCAR (băng 550 bp) nhận diện gene phục hồi hữu dục đực Rf trong nhân. Về khảo sát hình thái nông học trên 50 dòng vật liệu cho thấy, 46 dòng ớt thuộc ớt sừng xanh hoặc ớt sừng vàng (37 sừng xanh và 9 sừng vàng), 39 dòng từ mức cay trung bình tới cay nhiều (500 -3000 ppm capsaicine), 44 dòng có chiều cao hơi thấp tới trung bình (50-120 cm),…
Các kết quả khảo sát, đánh giá nguồn vật liệu và lai test đã xác định được 1 cặp A/B ớt sừng xanh triển vọng đã ổn định (HP33/ HP27), 2 dòng R triển vọng (HP5 - ớt sừng vàng và HP18 - ớt sừng xanh) và 2 dòng B ớt sừng vàng (HP2 và HP47).
Kết quả khảo sát các tổ hợp lai (THL) triển vọng cho thấy, trong nhóm ớt sừng xanh, THL1 (HP33xHP18) có nhiều đặc tính ưu việt hơn so với đối chứng (ớt cay lai 20 có nguồn gốc từ Hàn Quốc): chống chịu virus khá hơn, chín sớm hơn 10-14 ngày, năng suất lý thuyết cao hơn 15-20%, chất lượng thương phẩm của trái (màu sắc, độ dài trái, độ bóng, độ cay) tương đương với đối chứng. Trong nhóm ớt sừng vàng có THL3 (HP47xHP5) so với đối chứng (sừng vàng châu Phi) có dạng trái thon hơn và có năng suất tương đương, tuy nhiên các dòng cha mẹ của THL này chưa thuần nên cần thêm thời gian làm thuần các dòng này. Cả 2 THL trên đều đã được bộ phận kinh doanh của công ty đề nghị cho khảo nghiệm rộng tại các vùng sản xuất tiềm năng để sớm đưa vào kinh doanh thay thế các giống ớt cay lai nhập nội.
Về vi nhân giống quang tự dưỡng, cây ớt bất dục đực tăng trưởng tốt trong điều kiện vi nhân giống quang tự dưỡng bằng cách cắt đốt, trên môi trường khoáng MS cải tiến với hàm lượng nitơ tổng là 60 mmol L-1, tỷ lệ NH4+/NO3‾ là 1:3, trên giá thể agar 8 g L-1, dưới cường độ ánh sáng 120 μmol m-2 s-1, thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày. Bao nylon có gắn 2 hoặc 4 màng trao đổi khí bằng giấy lọc sản xuất trong nước thích hợp cho vi nhân giống quang tự dưỡng cây ớt bất dục đực. Cây tăng trưởng tốt hơn khi bao nylon (hộp hay bình) nuôi cấy có tốc độ trao đổi khí cao hơn.
Kết quả đã chứng minh cây ớt bất dục đực có thể được nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy quang tự dưỡng. Phương pháp này không những giúp gia tăng hệ số nhân giống cây ớt bất dục đực mà còn giúp cây tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn in vitro cũng như gia tăng khả năng thích nghi ở giai đoạn ex vitro.