Hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng mắt. Ảnh: Đ.K
Về cơ bản, dự án nghiên cứu về bệnh nhân mắc hội chứng Lock in Syndrome (khóa trong), một số trường hợp như ALS - hội chứng xơ cứng teo cơ một bên hay bệnh nhân sống thực vật cũng là một trong những trường hợp của hội chứng khóa trong này. Trong quá trình khảo sát, nhóm nhận thấy việc không thể giao tiếp, không thể cử động khiến cho bệnh nhân cảm thấy ức chế và là một cực hình rất đáng sợ. Hơn nữa, việc chăm sóc bệnh nhân cũng trở nên khó khăn hơn, nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân.
Trái với hình dung của số đông là khi sử dụng phải đeo gắn thiết bị cồng kềnh, thiết bị của nhóm thì tách biệt hoàn toàn, tức là không chạm vào người dùng. Theo đó, hệ thống được thiết kế gồm một màn hình giao diện, kích cỡ của màn hình sẽ tùy vào vị trí chăm sóc bệnh nhân, tương đương với màn hình máy tính bảng hoặc máy tính bàn. Người bệnh chỉ cần nhìn vào giao diện, camera sẽ ghi lại, lúc này hệ thống sẽ tự động chuyển thành tín hiệu điều khiển nhờ công nghệ thị giác máy tính.
Sau hai tháng tiến hành nghiên cứu và phát triển, dự án bước đầu đã giúp cho bệnh nhân có thể giao tiếp cơ bản với người xung quanh như: trả lời câu hỏi có/không, yêu cầu đi vệ sinh, gọi người nhà đến bên cạnh... hoàn toàn thông qua cử động của mắt.
Hiện dự án đang bắt đầu thực hiện giai đoạn 2, đó là áp dụng trí tuệ nhân tạo vào thiết bị, để tự động chẩn đoán sức khỏe của bệnh nhân, dự đoán tương thích với bệnh nhân (nhiệt độ phòng, ánh sáng phù hợp với bệnh nhân), dự đoán thời điểm đi vệ sinh... để giúp cho thiết bị hoạt động chính xác hơn, nhanh hơn và tiện lợi hơn.
Ngoài các trường hợp của hội chứng khóa trong, dự án còn áp dụng cho các bệnh nhân bị liệt, không nói được, người lớn tuổi, bị tai biến, bị hạn chế khả năng giao tiếp... để gọi người nhà từ vị trí xa bệnh nhân đến hỗ trợ kịp thời.
Một ưu điểm nữa, cũng theo bạn Đăng Khoa, nhận thấy hầu hết các gia đình có bệnh nhân mắc những hội chứng trên đều có kinh tế khó khăn nên nhóm đã nỗ lực trong việc giảm giá thành sản phẩm thấp nhất có thể. So với một công nghệ tương tự trên thế giới là EMOTIV (công nghệ đo sóng não), người dùng phải luôn đeo thiết bị đó để đọc được sóng não và có giá thành rất cao (gần 1.000 USD) thì thiết bị của nhóm sử dụng camera để phát hiện khuôn mặt bệnh nhân và phân tích mắt, không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và có giá thành thấp hơn hoàn toàn. Thời gian tới, nếu được đưa vào khai thác thương mại hóa, thiết bị sẽ chỉ bằng 1/5 giá sản phẩm nhập ngoại cùng loại.
Đề tài đã đoạt giải đồng Giải thưởng thiết kế - chế tạo - ứng dụng 2019 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, giải ba Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2019, cùng khoản hỗ trợ trị giá 30 triệu đồng để tiếp tục thực hiện và phát triển dự án trên.
Tuyết Mai