SpStinet - vwpChiTiet

 

Năng lượng khu vực Đông Nam Á

Gia tăng dân số, thu nhập và quá trình đô thị hóa nhanh chóng là những yếu tố làm tăng nhu cầu năng lượng thời gian qua tại khu vực ASEAN và dự báo độ tăng còn cao hơn nữa trong thời gian tới.

ASEAN (Association of Southeast Asian Nations) là tổ chức hợp tác khu vực liên chính phủ 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), hoạt động theo Hiến chương ASEAN. Tổng dân số trong khu vực năm 2017 là 644 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới; dự báo đến 2030 tăng lên 722 triệu người (BĐ1).

BĐ1: Dân số các nước khu vực ASEAN, năm 2017

Nguồn: Population Reference Bureau;International Renewable Energy Agency (IRENA), Renewable Energy Market Analysis Southeast Asia, 2018.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP- Gross Domestic Product) của khu vực đạt 2,5 ngàn tỉ USD vào năm 2016, mức tăng trưởng mỗi năm hơn 4%. Lĩnh vực nông nghiệp đóng góp vào GDP khiêm tốn hơn so với khối dịch vụ và công nghiệp (BĐ2).

BĐ2: GDP và thành phần đóng góp, các nước ASEAN, năm 2016

Nguồn: World Bank, 2017; IRENA.

Nguồn cung năng lượng

Nguồn năng lượng tự nhiên ở khu vực ASEAN khá phong phú, gồm: than đá, than nâu, khí tự nhiên và dầu mỏ…Than đá chiếm 4,1% trữ lượng thế giới. Indonesia chiếm phần lớn trữ lượng than đá trong khu vực, đứng thứ năm về sản xuất và đứng thứ hai về xuất khẩu than trên thế giới (BĐ4). Ngoài ra khu vực này cũng giàu tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo.

BĐ4: Trữ lượng một số nguồn năng lượng tự nhiên khu vực ASEAN

Nguồn: ASEAN Centre for Energy (ACE); IRENA.

Tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp (TPES- Total Primary Energy Supply) khu vực ASEAN đã tăng gần gấp đôi qua hai thập kỷ, năm 2015 đạt 628 Mtoe (Million tons of oil equivalent - triệu tấn dầu tương đương), phần lớn là dầu mỏ (34%) và khí tự nhiên (22%) (BĐ4).

BĐ4: Nguồn cung năng lượng sơ cấp, ASEAN

Ghi chú: Số liệu không bao gồm Lào. Nguồn: IEA (International Energy Agency); IRENA.

Tiêu thụ năng lượng

Dân số các nước ASEAN tăng, kinh tế và đời sống cư dân phát triển kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao.

Nguồn năng lượng được sử dụng để phát điện ở khu vực ASEAN chủ yếu là than đá và khí tự nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo góp phần vào là thủy điện, địa nhiệt và năng lượng sinh học (BĐ5).

BĐ5: Nguồn năng lượng sử dụng để phát điện, ASEAN

Ghi chú: số liệu không bao gồm Lào. Nguồn: IEA; IRENA.

Điện sản xuất trong khu vực năm 2015 là 873 TWh, tăng hơn ba lần năm 1995, mức tăng bình quân hàng năm là 7%. Dẫn đầu về gia tăng năng lực sản xuất điện trong giai đoạn 1995-2015 là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam (BĐ6). Tuy vậy vẫn còn 65 triệu người vẫn chưa tiếp cận được nguồn điện.

BĐ6: Phát triển sản xuất điện tại các nước  ASEAN, 1995-2015

Nguồn: IEA; IRENA.

Một vài nước trong khu vực đang nhắm đến nguồn thu từ xuất khẩu điện. Lào gia tăng xuất khẩu điện từ 2,8 TWh vào năm 2000 lên 11,5 TWh năm 2015, Thái Lan và Việt Nam là hai đối tác lớn của Lào. Campuchia nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Lào, Thái Lan và Việt Nam (BĐ7).

BĐ7: Nhập khẩu điện của các nước  ASEAN

Nguồn: IEA và MEM; IRENA.

Năm 2015, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng (TFEC- Total Final Energy Consumption) khu vực ASEAN là 442 Mtoe, gần gấp đôi năm 1995.  Ba lĩnh vực gồm công nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt của cư dân chiếm 82% TFEC năm 2015, trong khi tỉ lệ này trong năm 1995 là 88% (BĐ8, BĐ9).

BĐ8: Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng khu vực ASEAN

Ghi chú: số liệu không bao gồm Lào; PS gồm các lĩnh vực nông ngư nghiệp, chăn nuôi và công nghiệp phân bón. Nguồn: IEA; IRENA.

BĐ9: Tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo lĩnh vực, ASEAN, năm 2015

 Ghi chú: số liệu không bao gồm Lào. PS: gồm các lĩnh vực nông ngư nghiệp, chăn nuôi và công nghiệp phân bón. Nguồn: IEA; IRENA.

Công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ năng lượng cuối cùng nhiều nhất ở khu vực ASEAN, chiếm  29% TFEC vào năm 2015. Tỉ lệ này thấp nhất ở Myamar (khoảng 12%) và cao nhất ở Việt Nam (gần 40%). TFEC năm 1995 tập trung vào nguồn năng lượng từ than đá và sinh khối, đến 2015 gần như phân bổ đều cho các nguồn than đá, sinh khối, khí gas, điện và dầu mỏ (BĐ10). Tập trung ở các nước thu hút mạnh đầu tư từ nước ngoài, đang phát triển mạnh về công nghiệp như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

BĐ10: Tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong công nghiệp theo nguồn, ASEAN

 

Ghi chú: số liệu không bao gồm Lào. Nguồn: IEA; IRENA.

Giao thông vận tải là lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng đứng thứ hai trong khu vực, chiếm  27% TFEC; tỉ lệ này cao nhất ở Brunei (47%), kế đến là Malaysia (41%) và Philippines (36%) (Bảng 1). Nguồn năng lượng được sử dụng chủ yếu trong giao thông vận tải là các loại xăng/dầu có nguồn gốc dầu mỏ, chiếm tỉ lệ nhỏ là khí gas (ở Myanmar và Thái Lan), và nhiên liệu sinh học lỏng (ở Indonesia và Thái Lan).

 Bảng 1: Tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giao thông vận tải tại các nước ASEAN, 2015

Quốc gia

Tỉ lệ TFEC lĩnh vực giao thông vận tải trong tổng TFEC (%)

Quốc gia

Tỉ lệ TFEC lĩnh vực giao thông vận tải trong tổng TFEC (%)

Brunei

47

Campuchia

# 25

Malaysia

41

Singapore

< 20

Philippines

36

Việt Nam

< 20

Indonesia

# 25

Myanma

< 20

Thái Lan

# 25

Lào

< 20

Bình quân trong khu vực

27

Nguồn: IRENA.

Tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cư dân ASEAN chiếm 26% TFEC, nguồn cung cấp chủ yếu từ sinh khối, khoảng trên 65%, tỉ lệ này gần như  không  thay đổi nhiều trong hai thập kỷ qua (BĐ11).  Hiện có hơn 250 triệu người trong khu vực  đun nấu bằng năng lượng sinh khối, tập trung ở các nước Indonesia, Myanmar, Philippines và Campuchia.

BĐ11: Tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cư dân ASEAN

Ghi chú: số liệu không bao gồm Lào. Nguồn: IEA; IRENA.

Brunei và Singapore có nền kinh tế phát triển và dân số ít, là hai quốc gia  có mức tiêu thụ năng lượng bình quân trên đầu người cao nhất khu vực. Các nước khác như Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines và Việt Nam có mức năng lượng sử dụng bình quân trên đầu người thấp so với  mức bình quân trên thế giới.  Theo World Bank, mức tiêu thụ năng lượng bình quân trên đầu người của thế giới năm 2014 là 1,9 Mtoe (BĐ12).

BĐ12: GDP và tiêu thụ năng lượng bình quân trên đầu người khu vực ASEAN

Ghi chú: số liệu của tất cả các nước vào năm 2014, số liệu của Việt Nam vào năm 2013. Nguồn: World Bank; IRENA.

Xu hướng tương lai

Dự báo nhu cầu năng lượng khu vực ASEAN sẽ tiếp tục gia tăng, bình quân 4%  mỗi năm. Trong đó nguồn năng lượng cần để sản xuất điện tăng nhanh nhất, giai đoạn 2014-2025 ước sẽ tăng đến 93%, kế đến là năng lượng để sử dụng trong công nghiệp (63%). Lào và Việt Nam là hai nước được dự báo có mức tăng nhu cầu năng lượng cao nhất, nhưng lĩnh vực giao thông vận tải ở Lào lại có mức gia tăng thấp (BĐ13).

BĐ13: Dự báo gia tăng nhu cầu năng lượng giai đoạn 2014-2025

Ghi chú: TPES = Tổng cung năng lượng sơ cấp; TFEC = Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Nguồn: IRENA và ACE, 2016. 

Đến 2040, nhu cầu năng lượng hầu hết các nước trong khu vực ASEAN sẽ tăng cao, vượt khả năng nguồn trong nước có thể cung cấp, trừ Brunei là có nguồn cung năng lượng đảm bảo 100% nhu cầu. Việt Nam là nước có mức chênh lệch cung - cầu cao nhất, kế đến là Thái Lan (BĐ14). Dù khu vực ASEAN được thiên nhiên ban tặng nhiều nguồn năng lượng nhưng cũng sẽ dần cạn kiệt khi nhu cầu tiêu thụ luôn tăng cao.Vì thế, đảm bảo nguồn cung năng lượng để thực hiện chiến lược phát triển quốc gia là vấn đề được đặc biệt quan tâm ở các nước ASEAN.

BĐ14: Khả năng nguồn cung năng lượng sơ cấp từ nội địa

Source: NBR, 2016 based on APEC Energy Demand and Supply Outlook; IEA, Key World Energy Statistics 2015; IRENA.

Anh Trung (CESTI)

Các tin khác: