SpStinet - vwpChiTiet

 

10 năm giải thưởng CNTT-TT TP.HCM: khẳng định con người, sản phẩm sáng tạo

Ngày 28/12, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm và trao giải thưởng Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT - TT) lần thứ 10 năm 2018. Ban tổ chức đã trao tặng bằng khen của UBND TP.HCM cho 13 đơn vị, 1 cá nhân xuất sắc đóng góp cho sự phát triển của ngành CNTT – TT thành phố cùng 10 sinh viên ngành CNTT – TT có thành tích học tập nghiên cứu xuất sắc, tham gia giải thưởng năm 2018.

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả và đóng góp của giải thưởng qua 10 năm trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cung cấp nhiều sản phẩm, giải pháp cho sự phát triển của thành phố. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, số doanh nghiệp CNTT của thành phố hiện chiếm chưa tới 2,6% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố, với số lao động chưa đến 80.000 người (chỉ chiếm 1,8% lao động của thành phố). Các doanh nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng tỷ trọng còn nhỏ trong nền kinh tế thành phố. Do vậy, giải thưởng CNTT - TT phải góp phần hình thành hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp CNTT để có thêm nhiều doanh nghiệp mới; phát huy nguồn lực sẵn có lớn nhất là nguồn lực lao động (4,5 triệu lao động) trở thành lao động thông minh, lao động sáng tạo. Đồng thời, giải thưởng CNTT – TT cần khẳng định con người, sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực CNTT để cung cấp đầu vào xét tuyển cho giải thưởng Sáng tạo của TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: LV.

Đồng chí Bí thư đề nghị, cần xem xét những nội dung sẽ được trao giải thưởng CNTT - TT và mở rộng các nhóm giải thưởng những năm tới. Bên cạnh những doanh nghiệp, sinh viên, giảng viên có nhiều đóng góp trong lĩnh vực CNTT, có thể xem xét các nhóm nghiên cứu, những người làm công tác quản lý có đóng góp hình thành chính sách sáng tạo trong phát triển CNNT - TT của thành phố.

Được biết, giải thưởng CNTT – TT lần 10 có chủ đề “Vì thành phố thông minh, đổi mới, sáng tạo” gắn với việc TP.HCM đang trong quá trình triển khai đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025”. Giải thưởng năm nay có 75 hồ sơ đăng ký tham dự ở 6 nhóm, gồm:

Nhóm 1: Doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu

Nhóm 2: Doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần cứng tiêu biểu

Nhóm 3: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu

Nhóm 4: Đơn vị ứng dụng CNTT - TT tiêu biểu

Nhóm 5: Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT - TT thành phố

Nhóm 6: Sinh viên ngành CNTT - TT có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc.

Tọa đàm 10 năm giải thưởng CNTT - TT TP.HCM. Ảnh: LV.

Theo ban tổ chức, điểm nổi bật của giải thưởng năm nay là nhóm 1 có nhiều sản phẩm hướng đến xây dựng thành phố thông minh, có nhiều đột phá về chức năng, kiến trúc, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, áp dụng công nghệ blockchain, ứng dụng trên kiến trúc tổng thể về chính quyền điện tử, xây dựng môi trường tương tác thân thiện, gần gũi giữa người dân và chính quyền. Nhóm 2 có sự tham gia của nhiều sản phẩm phần cứng, có thể gọi là “phần cứng thông minh”, ví dụ như khóa thông minh, thiết bị thu thập dữ liệu IoT, thiết bị xử lý công nghiệp hiện đại trong lĩnh vực chế tạo điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, giải thưởng lần 10 cũng có sự điều chỉnh trong phương án chấm điểm cho các nhóm 1, 2, 3, 4 với thang điểm có tiêu chí liên quan đến giải pháp giải quyết các nhiệm vụ thuộc đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025”; hoặc các chương trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố. Ngoài ra, có điểm thưởng cho các sản phẩm có ứng dụng kết quả nghiên cứu trong nước, có tính nội địa hóa cao, thể hiện được năng lực và trí tuệ Việt.

Hình ảnh tại lễ trao giải CNTT - TT lần thứ 10 năm 2018.

Kết quả các đơn vị đoạt giải thưởng CNTT – TT TP.HCM lần 10 năm 2018 như sau:

Nhóm 1: phần mềm hóa đơn điện tử meinvoice.vn (Công ty CP MISA); hệ thống giải pháp chính quyền điện tử và trung tâm hành chính công FPT.eGov (Chi nhánh TP.HCM của Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT); iBom® 2016 – giải pháp phần mềm điều hành doanh nghiệp và quản lý thi công công trình (Công ty TNHH phần mềm Trí Tuệ); phần mềm quận huyện trực tuyến (Công ty CP Công nghệ VietInfo).

Nhóm 2: Mercury Electronic (Công ty TNHH MTV Thế giới công nghệ); dây chuyền cấp thoát liệu tự động (Công ty TNHH ITO Việt Nam); máy tính để bàn thương hiệu APCOM (Công ty Tin học Anh Phương).

Nhóm 3: ví MoMo (Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến); dịch vụ đánh giá bảo mật và giám sát an toàn thông tin (Công ty Công nghệ Tin học HPT); dịch vụ VNPT-SMART Cloud (Viễn thông TP.HCM).

Nhóm 4: Công ty DV Di động Trực tuyến; Công viên Phần mềm Quang Trung.

Nhóm 5: ông Nguyễn Bá (Nguyên TGĐ Cty Bưu chính viễn thông Việt Nam); Viễn thông TP.HCM.

Nhóm 6: các sinh viên đến từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp TP.HCM và Đại học FPT.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả