Theo đó, nhóm đã thống kê các cơ chế gây mưa lớn của 10 hình thế thời tiết trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2008-2016, kết quả cho thấy, hình thế dải hội tụ nhiệt đới xuất hiện nhiều nhất với 54 đợt (chiếm 37%), tiếp đến là hình thế gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh 30 đợt (20%), rãnh Tây Bắc - Đông Nam 17 đợt (12%), rãnh thấp xích đạo 16 đợt (11%). Các hình thế xuất hiện ít nhất là vùng thấp xích đạo 1 đợt (1%), dông nhiệt 2 đợt (2%).
Thông qua sử dụng phần mềm ArcMap, đề tài đã xây dựng 10 sơ đồ 3 chiều biểu diễn thời tiết gây mưa lớn cho 10 hình thế thời tiết: hình thế gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh; hình thế xoáy thuận nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới và bão); vùng thấp hoặc xoáy thấp phát triển từ tầng thấp lên các tầng không khí trên cao; rãnh thấp xích đạo; dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ); hình thế rãnh Tây Bắc – Đông Nam; hình thế dông nhiệt; hình thế xoáy thuận nhiệt đới kết hợp với đới gió Tây Nam; hình thế dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) có tồn tại vùng thấp đóng kín phát triển hoặc dải HTNĐ kết hợp với gió mùa Tây Nam; nhiễu động đới gió Đông.
Đề tài cũng xây dựng 10 sơ đồ biểu diễn quá trình hình thành, phát triển, tan rã của khối mây dựa trên số liệu quan trắc radar (1, 2, 3, 4 và 5km) để xác định chỉ tiêu độ phản hồi từng sản phẩm; nghiên cứu phương pháp ước lượng mưa từ số liệu phản hồi radar; ngoại suy ổ dông từ sản phẩm radar bằng phần mềm TITAN, từ đó đưa ra dự báo mưa định lượng hạn cực ngắn cho TP.HCM. Đồng thời xác định các công thức dự báo mưa định lượng ứng với hạn dự báo: với thời hạn dự báo mưa 1 giờ, công thức mưa Marshell - Panmer và VNU là công thức tối ưu nhất; với thời hạn dự báo mưa 2 giờ, công thức mưa Marshell - Panmer là công thức tối ưu nhất; với thời hạn dự báo mưa 3 giờ, công thức mưa Marshell - Panmer và VNU là hai công thức tối ưu nhất. Trong khi ước lượng Marshell - Panmer thường có giá trị lớn hơn so với giá trị thật khoảng 6,5mm thì ước lượng của Nguyễn Hướng Điền (VNU) đưa ra thường có giá trị nhỏ hơn so với giá trị thật khoảng 6,3mm.
Đề tài đã nghiên cứu cải tiến mô hình số trị hiện tại của Đài Khí tượng khu vực Nam Bộ để dự báo mưa lớn hạn 24h. Mô hình được sử dụng là WRF phiên bản V3.9.1 với điều kiện ban đầu lấy từ GFS với 38 mực thẳng đứng, bước thời gian ghi số liệu ra là 6 giờ. Sử dụng số liệu radar đồng hóa 3dvar trong mô hình WRF để dự báo mưa lớn hạn ngắn tại khu vực TP.HCM.
Quy trình dự báo mưa hạn cực ngắn cho TP.HCM ứng với từng hình thế thời tiết cũng được xây dựng, gồm 5 bước chính: thu thập số liệu (quan trắc bề mặt, thám không, radar, synop); phân tích đánh giá dữ liệu; thực hiện phân tích dự báo; thảo luận dự báo; bản tin dự báo. Trên cơ sở quy trình dự báo xây dựng, đề tài đã tiến hành dự báo thử nghiệm trong tháng 8 và tháng 9/2018 với tổng số 363 bản tin dự báo mưa hạn cực ngắn cho 5 vùng ở TP.HCM. Kết quả, dự báo pha mưa có độ chính xác đạt từ 71-79%, dự báo định lượng mưa đạt từ 61-77% với trường hợp có mưa lớn.
Hệ thống nghiệp vụ dự báo mưa hạn cực ngắn đã được xây dựng và chuyển giao, cài đặt trên máy tính HPC của Đài KTTV khu vực Nam bộ; đào tạo hướng dẫn sử dụng cho 2 cán bộ dự báo của Đài KTTV khu vực Nam bộ, 1 cán bộ của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, 1 cán bộ trạm radar Tân Sơn Nhất và 4 cán bộ ở Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH.