Hơn 40 doanh nghiệp tham gia kết nối công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc
Lam Vân
19/09/2019
Hoạt động KH&CN
Ngày 19/9, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) phối hợp với Trung tâm Thương mại hóa toàn cầu (GCC) dưới sự bảo trợ của Viện Chấn hưng công nghiệp và công nghệ Hàn Quốc (KIAT) tổ chức hội thảo "Kết nối cung cầu công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc 2019". Có 8 doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu, trình diễn các giải pháp công nghệ - thiết bị sẵn sàng chuyển giao và hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam tham gia kết nối tư vấn trực tiếp tại sự kiện.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu, trình diễn công nghệ tại hội thảo gồm Công ty Jee-sung (công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải thực phẩm và phân gia súc); Công ty Bukang (công nghệ xử lý dầu thải); Công ty Techwin (công nghệ xử lý nước bằng NaOCl an toàn); Công ty Youngwoo (công nghệ băng dính chịu nhiệt); Công ty MC Biotech (phòng chống côn trùng gây hại bằng vi sinh vật phân giải Gelatin và Chitin); Công ty Black Sun (CCTV thông minh – hệ thống truyền tín hiệu hình ảnh video mạch kín, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị thông minh và bảo mật an toàn); Công ty Ekos ENC (hệ thống giám sát chuồng trại thông minh kết hợp sản xuất điện năng lượng mặt trời); Công ty Icure (thuốc tăng cường hoạt tính của chất gây ức chế, miễn dịch điều trị ung thư Metronomic).
Công ty Jee-sung giới thiệu công nghệ tại hội thảo. Ảnh: LV.
Tại khu vực gặp gỡ tiếp xúc, kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp Hàn Quốc do Ban tổ chức bố trí, hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đã kết nối với các doanh nghiệp xứ Hàn. Trong đó, khá đông doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia tiếp xúc, kết nối trực tiếp với Công ty Jee-sung để tìm hiểu công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải thực phẩm và phân gia súc. Cụ thể, đó là hệ thống sản xuất phân bón hiếu khí hiệu quả cao từ chất thải gia súc HAC (High efficiency Aerobic Composting). Công nghệ giải quyết toàn diện các khâu thu hồi nguyên liệu, khử mùi, khuấy trộn và lên men chất thải và phân gia súc. Hệ thống không chỉ được tối ưu hóa quy trình khuấy trộn, thổi khí và vận chuyển cho quá trình ủ phân hiếu khí (cho phân gia súc), mà còn có tính năng thông rửa các ống khí dưới sàn, nên không còn tình trạng tắc nghẹt, đồng thời dễ dàng ứng dụng bằng điều khiển tự động. Hệ thống có hiệu suất cao, nhiệt độ lên men tối ưu; thoáng khí; có thể thoát nước rỉ rác và tái sử dụng phun lên phân ủ dễ dàng, cho phép điều chỉnh độ ẩm của phân ủ;… Sử dụng hệ thống xử lý vật liệu thô không xả thải nên thu hồi tốt được nguyên liệu. Hệ thống lên men phân ủ có hiệu quả cao, không cần phải sử dụng chất hóa học. Phân sau ủ và lên men có thể dùng sản xuất phân bón lỏng.
Phần giới thiệu của Công ty Techwin. Ảnh: LV.
Theo ông Võ Ngọc Hải, Phó Giám đốc CESTI, hội thảo là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác phát triển thị trường KH&CN, tăng cường các hoạt động kết nối công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư, liên doanh - liên kết, giao lưu thương mại giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và trao đổi trực tiếp về các giải pháp công nghệ đa dạng, hiện đại (trong các lĩnh vực nông nghiệp, xử lý nước, IoT, y dược) do doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển. Qua đó, xúc tiến thương mại và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt – Hàn. Sau sự kiện này, các đơn vị có nhu cầu công nghệ vẫn có thể đăng ký trực tiếp với CESTI để tiếp tục được kết nối với phía doanh nghiệp Hàn Quốc.
Một số hình ảnh tại khu vực tiếp xúc, kết nối trực tiếp: