Lò hơi giúp truyền nhiệt sang một quy trình hay thiết bị trao đổi nhiệt, nên trong sản xuất, được sử dụng cho nhiều công đoạn.
Theo thống kê, trung bình một lò hơi thải ra môi trường khoảng 300 lít nước thải/lần, cách nhau vài ngày, tùy theo nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, trong nước thải lò hơi có các phản ứng hóa học giữa vật liệu kim loại, nên có nồng độ ô nhiễm rất cao (gấp 100-120 lần nồng độ cho phép). Nếu không được xử lý triệt để, nước thải lò hơi sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Do đó, cần làm sạch nguồn nước này trước khi hòa vào hệ thống xử lý nước thải chung.
Để giải quyết vấn đề, Công ty TNHH Giải pháp môi trường Đại Nam giới thiệu hệ thống xử lý nước thải lò hơi với các tiêu chí đơn giản, độ bền cao, tiết kiệm diện tích xây dựng và chi phí đầu tư. Đây là công nghệ có tiềm năng chuyển giao rất cao để xử lý nước thải tại nguồn.
Theo thông tin từ Đại Nam, nước thải từ lò hơi sau khi thu gom về bể chứa tập trung (bể sơ cấp) sẽ được đưa qua các bể chức năng: bể điều hòa, cụm bể hóa lý (bể keo tụ), bể lắng 1, bể trung gian 1, bể UASB, bể khử nitơ, bể MBBR, bể khử nitrát, bể lắng 2, bể trung gian 2, cụm bể fenton, bể lắng 3, bồn trung gian 3, và bể chứa bùn.
Quy trình xử lý nước thải từ lò hơi
Từ bể sơ cấp, nước thải sẽ được bơm vào bể điều hòa, làm xáo trộn nước bằng không khí (hoặc cơ khí) để ổn định lưu lượng và nồng độ chất thải trong nước, đồng thời làm giảm một phần nhiệt độ nước thải và phân hủy một phần chất hữu cơ, giảm mùi hôi.
Nước thải tiếp tục được bơm đến bể keo tụ. Tại đây, các chất keo tụ, trợ keo tụ (như phèn nhôm và polymer) sẽ được thêm vào để tăng hiệu quả kết dính các hạt keo gây bẩn trong nước. Kết quả của quá trình này là sự hình thành các bông cặn lắng xuống (quá trình này là tách pha rắn lỏng).
Cụm bể hóa lý bậc 1 kết hợp lắng của hệ thống xử lý nước thải sản xuất
Nước thải (đã lắng các chất kết bông) sẽ được đưa vào bể trung gian 1, sau đó đến cụm bể UASB, bể khử nitơ, bể MBBR, bể khử nitrát để xử lý hóa học trong nước thải, trước khi dẫn sang bể lắng II.
Dưới tác dụng của trọng lực, cặn bùn hoạt tính sẽ lắng xuống đáy bể lắng II và được đưa ra bể chứa, nhờ hệ thống thu bùn dưới đáy. Nước thải ở phía trên mặt sẽ chảy tràn sang bể khử trùng.
Cụm bồn hóa chất của hệ thống xử lý nước thải sản xuất
Trong bể khử trùng, hóa chất khử trùng như Ca(OCl)2, Cl2…được bơm vào bể để tiêu diệt các loại vi khuẩn trước khi ra môi trường.
Trường hợp nước thải đầu ra cần đạt yêu cầu cao, thì nước thải sẽ tiếp tục được bơm vào bể lọc áp lực. Sau khi lọc áp lực, phần cặn lơ lửng còn lại trong nước thải sẽ tiếp tục được loại bỏ triệt để. Nếu muốn tái sử dụng nước, có thể dùng cột trao đổi ion, màng lọc RO, UF tùy theo mục đính sử dụng nước…
Bùn từ bể lắng đợt 1 (bùn hóa lý) và bùn từ bể lắng 2 (bùn sinh học) được đưa về bể chứa bùn, sau đó sẽ tiếp tục được bơm qua hệ thống nén bùn để làm giảm độ ẩm.
Bể kỵ khí UASB của hệ thống xử lý nước thải sản xuất với đường kính 2,4 mét, cao 6,5 mét
Bùn sau khi nén được đưa vào máy ép để tạo thành bùn khô và nước. Bùn khô là chất thải rắn công nghiệp không nguy hại. Phần nước sau khi ép bùn được bơm trở lại vào bể điều hòa 1 và tiếp tục được xử lý như vậy.
Đức Tiến (CESTI)