SpStinet - vwpChiTiet

 

Thay đổi cách sử dụng năng lượng hằng ngày để hạn chế biến đổi khí hậu

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện quốc tế về Phân tích hệ thống ứng dụng (IIASA), sự nóng lên của toàn cầu có thể giới hạn ở mức 1,50C, nhờ sử dụng năng lượng hiệu quả trong các hoạt động hàng ngày.

Nghiên cứu, mới được công bố trên tạp chí Nature Energy đã cho thấy, những thay đổi mạnh mẽ trong các hoạt động di chuyển, sưởi ấm và làm mát nơi ở, cũng như sử dụng các máy móc thiết bị giúp nâng cao điều kiện sống ở khu vực Nam toàn cầu (bao gồm Châu Phi, Châu Mỹ Latin và các nước đang phát triển ở Châu Á) vừa đạt các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, vừa đảm bảo mục tiêu giới hạn tối đa mức gia tăng nhiệt độ ở 1,50C, theo Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Việc cải thiện điều kiện sống đã không làm phát sinh thêm chi phí môi trường toàn cầu. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra cách giới hạn mức tăng nhiệt độ 1,50C mà không dựa theo các công nghệ chưa được chứng minh, ví dụ như CCS (công nghệ tách CO2 ra khỏi khí quyển và chôn lấp, sau đó thu thập và lưu giữ để tạo ra năng lượng sinh học).

Arnulf Grubler, tác giả chính của nghiên cứu và là Giám đốc chương trình hành động của IIASA cho biết: "Phân tích của chúng tôi cho thấy các cải tiến về xã hội, hành vi và công nghệ, kết hợp với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả và cắt giảm lượng carbon đã giúp đảo ngược xu hướng gia tăng nhiệt độ do nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng."

Charlie Wilson, đồng tác giả của nghiên cứu, nhà khoa học của IIASA và Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall tại Đại học Đông Anglia (Anh), cho biết thêm: “Quy mô năng lượng toàn cầu giảm nhanh chóng từ nay đến năm 2050 sẽ làm cho điều này khả thi hơn, khi chúng ta chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và điện năng để phục vụ các nhu cầu phát triển, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu."

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi nhiều cải tiến công nghệ có thể giúp giảm phát thải nếu chúng trở thành các công nghệ được sử dụng chính trên thực tế. Dựa trên các nghiên cứu chi tiết về năng lượng sử dụng trong lĩnh vực vận tải, gia dụng, văn phòng và sản xuất hàng tiêu dùng, các nhà nghiên cứu nhận thấy có thể giảm thiểu 2-4 lần năng lượng cần dùng, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu vật chất ngày càng tăng của con người, đặc biệt là ở miền Nam toàn cầu.

Họ đã xác định được một số cải tiến quan trọng, ví dụ như: xe điện tiết kiệm năng lượng hoạt động theo mô hình chia sẻ và “theo yêu cầu”, có thể cắt giảm tới 60% nhu cầu năng lượng vận tải toàn cầu vào năm 2050, đồng thời giảm số lượng phương tiện trên đường; các thiết bị kỹ thuật số đơn lẻ như điện thoại thông minh cung cấp một loạt các tiện ích, kết hợp với việc ưu tiên sử dụng các dịch vụ của giới trẻ, có thể hạn chế bùng nổ đến 15% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2050 cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hiệu suất sử dụng năng lượng cho các tòa nhà mới, cũng như cải tạo các tòa nhà hiện tại có thể giảm nhu cầu năng lượng cho sưởi ấm và làm mát tới 75% vào năm 2050. Ngoài ra, khi con người chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh với ít thịt đỏ hơn (nhưng có lượng calo tương đương) có thể làm giảm đáng kể lượng phát thải từ nông nghiệp và gia tăng độ che phủ rừng lên tương đương với diện tích của cả Ý và Bangladesh, vào năm 2050.

Những thay đổi trong cách chúng ta sử dụng năng lượng cho cuộc sống hằng ngày có thể tác động lớn đến cách sản xuất và vận chuyển hàng hóa, xây dựng văn phòng và trung tâm mua sắm cũng như sản xuất thực phẩm. Người dùng năng lượng chính là người thực hiện các mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu." Grubler nói.

Nghiên cứu cho thấy nếu tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm 40% vào năm 2050, cùng với sự phát triển mạnh về điện khí hóa, thì trong tương lai, việc triển khai năng lượng tái tạo có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của thế giới mà không cần dựa vào các công nghệ như CCS.

"Kịch bản của chúng tôi không chỉ cho thấy hoàn toàn có thể thực hiện giới hạn biến đổi khí hậu ở mục tiêu 1.50C, mà còn cho thấy một sự thay đổi trong xu hướng phát thải, hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển ở miền Nam toàn cầu, từ việc tăng mức sống, cho đến cải thiện không khí và sức khỏe.” Wilson cho biết.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng, để kịch bản này trở thành hiện thực, đòi hỏi những nỗ lực chưa từng có của các nhà hoạch định chính sách để thắt chặt các tiêu chuẩn; của các doanh nghiệp để phát triển và cải tiến các công nghệ giảm thiểu carbon; cũng như nỗ lực của các cá nhân và hộ gia đình trong việc áp dụng hình thức mới vào cuộc sống hàng ngày.

Grubler nói: "Cộng đồng toàn cầu, từ các nhà lãnh đạo, các tập đoàn đa quốc gia đến những người tiêu dùng và cư dân đều phải phối hợp hành động để hạn chế biến đổi khí hậu khi chất lượng sống được nâng lên. Và kịch bản của chúng tôi cung cấp lộ trình và cách thức để đạt được điều đó."

Các tin khác: