SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá tác động xã hội của các đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố do Trường Đại học Sài Gòn chủ trì thực hiện, PGS.TS. Phạm Nguyễn Kim Tuyến làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Đề tài tập trung vào đối tượng là các doanh nghiệp nằm trong và ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (KCN, KCX, KCNC) trên địa bàn TP.HCM với việc nộp phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND.

Theo đó, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND đã có những tác động tích cực trong việc thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Số doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp phí tăng lên 3.444 doanh nghiệp (với tổng lưu lượng xả thải hơn 135,5 nghìn m3/ngày.đêm), tổng số phí BVMT có sự gia tăng đáng kể đạt hơn 34 tỷ đồng năm 2019, cao hơn gấp 4 lần so với năm 2017 (7 tỷ đồng) và gấp 3 lần so với năm 2018 (11 tỷ đồng). Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nộp phí đầy đủ lại có xu hướng giảm dần từ 2.073 doanh nghiệp năm 2016 giảm xuống còn 1.731 doanh nghiệp năm 2019. Trong đó, số lượng các doanh nghiệp chưa nộp phí năm 2019 là cao nhất với tỷ lệ 42%.

Về lưu lượng xả thải, nhóm doanh nghiệp có mức xả thải dưới 5 m3/ngày.đêm tuy có số lượng lớn (chiếm 83% tổng số doanh nghiệp đang tiến hành nộp phí), nhưng tỷ lệ xả thải chỉ hơn 10% tổng lưu lượng xả thải của tất cả doanh nghiệp. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp có mức xả thải trên 5 m3/ngày.đêm tuy chỉ chiếm tỷ lệ ít (khoảng 17%) nhưng tỷ lệ xả thải chiếm đến 89% tổng lưu lượng xả thải của các doanh nghiệp trên toàn TP.HCM.

Đa số các doanh nghiệp đều sử dụng nước máy làm nguồn nguyên liệu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có một phần nhỏ các doanh nghiệp sử dụng các nguồn nước khác như nước ngầm và nước mặt. Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng lưu lượng sử dụng nước hiện nay đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về hệ thống xử lý nước thải, tổng cộng 406/582 doanh nghiệp (69,8%) đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tổng công suất xử lý nước thải của các doanh nghiệp này là hơn 234,9 nghìn m3/ngày, gấp 1,7 lần tổng lưu lượng xả thải của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, rà soát cho thấy vẫn còn có một số doanh nghiệp có lưu lượng xả thải cao hơn công suất xử lý (85/406 doanh nghiệp, chiếm 21%). Đặc biệt nhóm doanh nghiệp là công ty xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (KCN, KCX, KCNC) là nhóm có lưu lượng xả thải lớn đến rất lớn, chiếm 50% số lượng các doanh nghiệp có mức xả thải cao nhất (12/24 doanh nghiệp có mức xả thải trên 1.000 m3/ngày). Tổng lưu lượng xả thải của các công ty xử lý nước thải này hơn 52 nghìn m3/ngày, đạt tỷ lệ 50% tổng công suất xử lý, và chiếm tỷ lệ gần 38,5% tổng lưu lượng xả thải của tất cả doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Về tổng số phí BVMT, giai đoạn 2016 – 2019 tổng phí thực tính hơn 55,711 tỷ đồng, trong đó tổng mức phí cố định chiếm tỷ lệ 64%. Theo đó, tổng số phí thực thu là hơn 46,832 tỷ đồng (84%). Tổng số phí chưa thu được giai đoạn 2016 – 2019 chiếm tỷ lệ 12% tổng số phí thực tính. Về diễn biến của số thu phí thực tính, giai đoạn 2016 – 2019, tổng số phí BVMT đối với nước thải công nghiệp có sự gia tăng đáng kể qua các năm, trong đó tổng số thu phí năm 2019 ước hơn 34 tỷ đồng (quý 3/2019), cao hơn gấp 3 lần so với năm 2016, và cao hơn gấp 2 lần so với năm 2018.

Về tình hình thu phí đối với các doanh nghiệp hoạt động bên ngoài các KCN, KCX, KCNC, giai đoạn 2016 – 2019, tổng số thu phí BVMT của nhóm doanh nghiệp này tăng dần và đạt mức cao nhất hơn 17 tỷ đồng năm 2019, gấp 2 lần số thu năm 2017 và 2018, và chiếm tỷ lệ 66% tổng số thu phí của toàn Thành phố. Năm 2019, tổng số phí thực thu đạt hơn 13 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79% tổng số thu phí; tổng số phí chưa thu được cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các năm (21%), phân bố tập trung chủ yếu ở các địa phương như Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân, Gò Vấp. Đối với các doanh nghiệp hoạt động bên trong các KCN, KCX, KCNC, đến năm 2019 có tổng cộng 17 công ty xử lý nước thải tập trung đã tiến hành đóng phí, tổng số thu phí là 8,8 tỷ đồng, gấp 4 lần số thu năm 2017 và 2018, chiếm tỷ lệ 34% tổng số thu phí của toàn Thành phố. Tổng số phí chưa thu được năm 2019 là 1,676 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 19% tổng số phí phải thu của năm), trong đó, các doanh nghiệp có số phí chưa nộp cao nhất gồm KCN Lê Minh Xuân, Linh Trung 1 và 2, Tân Tạo 1 và 2, Đông Nam và An Hạ.

Nhìn chung, việc thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM theo NQ02/2018/NQ-HĐND có mức độ ảnh hưởng không lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đa số các doanh nghiệp đều có nhận thức tốt về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc nộp phí BVMT. Chỉ có một số ít doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt rõ về các quy định thu và nộp phí (27% doanh nghiệp trong và 5% số doanh nghiệp ngoài KCN, KCX, KCNC). Đa số doanh nghiệp thể hiện thái độ tuân thủ tốt quy định về nộp phí và thực hiện nghiêm túc NQ02/2018/NQ-HĐND. Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ khá cao các doanh nghiệp chưa đóng phí đầy đủ, đúng hạn. Phần lớn các doanh nghiệp thể hiện các hành vi tích cực như áp dụng nhiều cách thức cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu lượng nước sử dụng cũng như lưu lượng xả thải, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động BVMT trong cộng đồng nhằm nâng cao ý thức và đẩy mạnh công tác BVMT. Việc thu phí hầu như tác động không đáng kể đến thời gian làm việc, thu nhập và phúc lợi xã hội của người lao động. Một số doanh nghiệp hạ tầng bị tác động nhiều lên giá thành sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.

Vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu để có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thu phí BVMT như điều chỉnh công thức tính phí, ban hành các chính sách chế tài đối với các doanh nghiệp chậm/không nộp phí, các doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải cũng như cần có các chính sách khuyến khích khen thưởng, miễn giảm phí với các doanh nghiệp chấp hành tốt hoặc tái sử dụng nước thải sau xử lý. Đồng thời áp dụng công nghệ thông tin theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục và phương thức nộp phí, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò hậu kiểm là chính; công khai nguồn thu phí BVMT và kế hoạch chi nguồn thu phí cho các hoạt động BVMT tại địa phương;…

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác: