SpStinet - vwpChiTiet

 

Xu thế tiết kiệm năng lượng trên toàn cầu

Tiết kiệm năng lượng mang lại lợi ích kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm đã được nhiều quốc gia đầu tư thực hiện vì giúp giảm đáng kể năng lượng tiêu thụ với chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư thêm nguồn cấp năng lượng mới.

Nhu cầu tiêu thụ năng lượng luôn tăng

Tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu luôn gia tăng và xu thế này được dự báo sẽ tiếp tục trong tương lai. Nhu cầu gia tăng ở tất cả các dạng năng lượng, trừ than đá được dự báo từ năm 2025 sẽ có xu hướng giảm (BĐ1).

BĐ1: Gia tăng tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu

Nguồn: Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng  Mỹ (US Energy Information Administration – EIA), International Energy Outlook 2017.

Tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực sản xuất - công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn, hơn 50%  tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, ước lên đến 280 quadrillion Btu vào năm 2040 (BĐ2). Tuy vậy mức gia tăng hàng năm trong giai đoạn 2015-2040 của lĩnh vực này thấp hơn so với mức gia tăng tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong lĩnh vực giao thông vận tải và trong các tòa nhà.

BĐ2: Tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo lĩnh vực trên toàn cầu

Nguồn: EIA, International Energy Outlook 2017.

Năm 2017, nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 2,1%  so với năm 2016, mức tăng này là cao so với mức tăng hàng năm của bình quân 5 năm trước (0,9%)  (BĐ3). Ấn Độ và Trung Quốc góp phần lớn vào sự gia tăng nhu cầu năng lượng, trong đó 72% là nhiên liệu hóa thạch.

BĐ3:  Gia tăng nhu cầu năng lượng bình quân hàng năm trên toàn cầu

Nguồn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency -IEA) , Global energy and CO2 status report – 2017.

Tiêu thụ nhiều năng lượng, nhất là các nguồn năng lượng hóa thạch làm phát sinh khí thải carbon dioxide (CO2) gây ô nhiễm môi trường, năm 2017 mức thải CO2 gia tăng 1,4%, với 32,5 gigatonnes (Gt), cao nhất trừ trước tới nay (BĐ4). Tuy nhiên một số quốc gia giảm được phát thải khí nhờ chính sách TKNL và phát triển nguồn năng lượng tái tạo như  Mỹ, Vương Quốc Anh, Mexico và Nhật.

BĐ4: Phát thải khí CO2 từ sử dụng năng lượng trên toàn cầu

Nguồn: IEA, Global energy and CO2 status report – 2017.

Tính trên toàn cầu, với chỉ số khởi điểm là 1 vào năm 2000,  đến năm 2017 chỉ số GDP (Gross Domestic Product) tăng lên 1,8;  trong khi đó chỉ số về sử sụng năng lượng và phát thải CO2 chỉ trong khoảng 1,4 (BĐ5). Điều này cho thấy trên toàn cầu đã có sự cải thiện đáng kể trong việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

BĐ5: Tăng trưởng GDP, phát thải khí CO2 và sử dụng  năng lượng trên toàn cầu

Nguồn: IEA, Global energy and CO2 status report – 2017.

 

Xu thế tiết kiệm năng lượng trên toàn cầu

Kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và dân số tăng cao dẫn đến nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh trong khi các nguồn năng lượng dần cạn. Giải pháp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và  TKNL được nhiều nước quan tâm thực hiện. Nhờ đó, năm 2016,  toàn cầu đã tiết giảm được hơn 12%  năng lượng sử dụng trong năm 2016 (BĐ6),  và giảm được hơn 12,5% lượng khí thải (BĐ7).

BĐ6: Hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm trên toàn cầu

Nguồn: IEA, Energy efficiency 2017.

BĐ7: Giảm phát thải khí CO2 trên toàn cầu nhờ tiết kiệm năng lượng

Nguồn: IEA, Energy efficiency 2017.

Cường độ sử dụng năng lượng (EI - Energy Intensity) được sử dụng để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, là năng lượng sơ cấp cần thiết để tạo ra một đơn vị GDP. TKNL  tác động hiệu quả trong việc giảm EI trong phát triển kinh tế. Giai đoạn 1981-2010,  EI  giảm trung bình hàng năm là 1,3%, giai đoạn 2011-2016 mức giảm  này là 2,1% (BĐ8). EI giảm cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn cầu được tăng lên trong những năm vừa qua, đóng góp phần lớn vào kết quả này là Trung Quốc và Mỹ.

BĐ8: Diễn biến về cường độ sử dụng năng lượng trên toàn cầu

Nguồn: IEA, Energy efficiency 2017.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, trong 10 nước dẫn đầu về TKNL, có 8 nước châu Âu và 2 nước châu Á là Nhật và Trung Quốc (BĐ9). Nhiều nước giảm nhập khẩu năng lượng nhờ chính sách TKNL như Nhật, Đức, Vương Quốc Anh. Nhật là nước phải nhập khẩu phần lớn năng lượng, nhưng nhờ chính sách TKNL chặt chẽ nên có mức giảm năng lượng nhập khẩu đáng kể, năm 2016 giảm được hơn 20% lượng dầu và  20%  khí tự nhiên cần nhập khẩu (BĐ10).

BĐ9: Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng ở một số quốc gia

Nguồn: IEA, Energy efficiency 2017.

BĐ10: Giảm nhập khẩu dầu và khí tự nhiên ở một số quốc gia nhờ tiết kiệm năng lượng, năm 2016

Nguồn: IEA, Energy efficiency 2017.

 

Đầu tư vào tiết kiệm năng lượng

Đầu tư vào các giải pháp TKNL giúp giảm đáng kể năng lượng tiêu thụ với chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư thêm nguồn cấp năng lượng mới. Năm 2016, toàn cầu đầu tư vào TKNL 231 tỉ USD, tăng  9% so với năm 2015. Chiếm tỉ trọng cao trong đầu tư  TKNL  là Trung Quốc,  có mức đầu tư tăng 24% so với năm 2015; trong khi đó mức tăng này ở châu Âu là 10% và Mỹ là 2%  (BĐ11).

BĐ11: Đầu tư vào tiết kiệm năng lượng theo khu vực, năm 2016

Nguồn: IEA, Energy efficiency 2017.

Có nhiều giải pháp TKNL được ứng dụng trong đa dạng các lĩnh vực. Các giải pháp TKNL trong tòa nhà được ứng dụng nhiều nhất, mức đầu tư trên toàn cầu trong lĩnh vực này chiếm 58% tổng đầu tư vào TKNL, kế đến là giao thông vận tải (26%).  Công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ năng lượng nhiều nhất, nhưng mức đầu tư TKNL trong lĩnh vực này chỉ chiếm 16% tổng mức đầu tư toàn cầu (BĐ12)

BĐ12: Đầu tư vào tiết kiệm năng lượng theo lĩnh vực

Nguồn: IEA, Energy efficiency 2017.

 

Điểm qua tình hình TKNL ở Việt Nam

Việt Nam không ngoài xu thế chung, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số: 50/2010/QH12, đã được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ 01/01/ 2011 nhằm thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm. Nhiều chương trình dự án TKNL đã được triển khai như:

Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai qua 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2006 đến năm 2010 và giai đoạn 2 từ năm 2011 đến năm 2015, mục tiêu cụ thể là tiết kiệm từ 3% đến 5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 – 2010; và từ 5% đến 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn  2011 - 2015 so với dự báo về phát triển năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội theo phương án phát triển bình thường. Theo báo cáo đánh giá của Viện Năng lượng, tỉ lệ TKNL cộng dồn cho cả giai đoạn 2011 - 2015 là 5,65% với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn này của cả nước là 11.261 tấn đầu quy đổi (nguồn: www.most.gov.vn).

Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam”, giai đoạn 2016 – 2019 được Bộ Xây dựng triển khai với sự  tài trợ vốn gần 3,2 triệu USD của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.

Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai xây dựng Dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp tại Việt Nam”,  thực hiện đến tháng 7/ 2022, tổng kinh phí dự án là 158 triệu USD.

Anh Trung (CESTI)

Các tin khác: