SpStinet - vwpChiTiet

 

Hiệu quả của Robot trong phẫu thuật ung thư bàng quang

Theo một nghiên cứu mang tính bước ngoặt được công bố trên tạp chí y học Lancet, phẫu thuật bằng robot có hiệu quả tương đương với phẫu thuật mở truyền thống trong điều trị ung thư bàng quang.

Bác sỹ Dipen Parekh của Đại học Miami và 3 nhà tiết niệu học thuộc Loyola Medicine, bác sỹ Marcus Quek, Gopal Gupta và Alex Gorbonos là đồng tác giả của nghiên cứu.

Loyola nằm trong số 15 trung tâm tham gia thử nghiệm đánh giá về công nghệ mới này trên toàn nước Mỹ, 350 bệnh nhân được phân chia ngẫu nhiên để phẫu thuật bằng robot hoặc phẫu thuật mở để loại bỏ ung thư bàng quang. Thử nghiệm này được gọi là RAZOR (randomized open versus robotic cystectomy trial) và được tài trợ bởi Viện Ung thư Quốc gia (Hoa Kỳ).

Sau hai năm phẫu thuật, hai nhóm bệnh nhân không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sống sót mà không tái phát bệnh. Phẫu thuật bằng robot khiến cho người bệnh mất ít máu và có thời gian nằm viện ngắn hơn, nhưng thời gian phẫu thuật lại dài hơn. Đồng thời, phẫu thuật bằng robot cũng không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ biến chứng hoặc chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này.

Một hệ thống robot cho phép bác sĩ phẫu thuật thực hiện các ca mổ thông qua một vài vết mổ nhỏ. Những cử động của bàn tay hoặc cổ tay bác sĩ đều được các robot thực hiện lại chính xác. Mỗi chuyển động của robot đều được chỉ đạo bởi chính các bác sĩ phẫu thuật thông qua hình ảnh phóng đại 3D có độ nét cao của bộ phận cơ thể đang thực hiện phẫu thuật.

Kể từ khi robot phẫu thuật được giới thiệu vào năm 2000, nó đã nhanh chóng phổ biến và được sử dụng trong khoảng bốn triệu ca phẫu thuật trên toàn thế giới. Nhưng ngoài thử nghiệm RAZOR, chưa có bất kỳ thử nghiệm nào khác để đánh giá và so sánh hiệu quả giữa robot phẫu thuật và phẫu thuật mở truyền thống về tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư.

Thử nghiệm RAZOR cho thấy rằng, 2 năm sau phẫu thuật, 72,3% bệnh nhân trong nhóm phẫu thuật bằng robot vẫn còn sống, không tái phát bệnh và được chữa khỏi cơ bản (cao hơn, khi so với tỷ lệ 71,6% của nhóm phẫu thuật mở). 67% bệnh nhân phẫu thuật bằng robot bị tác dụng phụ như nhiễm trùng đường tiết niệu và chứng tắc ruột (thấp hơn, khi so với tỉ lệ 69% ở nhóm phẫu thuật mở). Bệnh nhân phẫu thuật bằng robot ở lại trung bình 6 ngày trong bệnh viện (ít hơn, khi so với 7 ngày ở nhóm phẫu thuật mở). Bệnh nhân phẫu thuật bằng robot mất ít hơn một nửa số máu so với bệnh nhân phẫu thuật mở, nhưng lại có thời gian mổ lâu hơn (7 giờ 8 phút, so với 6 giờ 1 phút).

Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy "các thử nghiệm cao cấp là cần thiết để đánh giá công nghệ phẫu thuật hiện đại này trước khi áp dụng nó rộng rãi trong thực tiễn lâm sàng". Kết quả nghiên cứu là bằng chứng của việc phẫu thuật bằng robot có hiệu quả tốt ngang với phẫu thuật mở truyền thống. "Điều quan trọng là phải tiến hành các thử nghiệm kỹ trước khi áp dụng rộng rãi công nghệ, cũng giống như trường hợp phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt bằng robot", bác sỹ Gupta cho biết.

Các tin khác: