SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu mô hình quản lý đô thị tại TP.HCM trong điều kiện biến đổi khí hậu

Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM chủ trì thực hiện, ThS. Trần Nhật Nguyên là chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Là một trong 10 đô thị lớn bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), TP.HCM đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của BĐKH và nước biển dâng. Những nguy cơ do BĐKH có khả năng làm ngừng trệ dịch vụ đô thị và làm thiệt hại tài sản ảnh hưởng đến các thành quả phát triển kinh tế xã hội của Thành phố trong những năm qua. Để hạn chế nguy cơ của BĐKH đe dọa đến mục tiêu phát triển, thành phố cần chủ động tăng cường khả năng ứng phó.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, quản lý đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với BĐKH. Khả năng ứng phó cao gắn liền với các thành phố được quản lý tốt. Do đó, cần thiết phải đặt vấn đề BĐKH vào trong bối cảnh quản lý của địa phương. TP.HCM cần tiếp cận mô hình quản lý đô thị theo hướng ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.

Đề tài nêu trên tiếp cận mô hình quản lý đô thị là một hệ thống (bao gồm thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn lực, cơ sở vật chất) tác động đến các đối tượng trong quản lý đô thị để thực hiện một cách có hiệu quả các mục tiêu đảm bảo cho đô thị phát triển ổn định bền vững, đảm bảo hài hòa các lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân trước mắt và lâu dài. Dựa trên tổng hợp các văn bản hiện hành, các nghiên cứu liên quan và thực tế quản lý tại TP.HCM, các đối tượng trong mô hình quản lý đô thị được đề cập trong nghiên cứu này gồm 8 lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội, môi trường, nhà ở - xây dựng - quy hoạch, kinh tế, tư pháp, nghiên cứu, văn phòng - thống kê. Mô hình quản lý đô thị trong điều kiện BĐKH có nghĩa là điều chỉnh các hoạt động và thực tiễn về chính sách, cơ cấu tổ chức, nguồn lực và cơ sở vật chất hiện có đối với các đối tượng trong mô hình quản lý đô thị để giảm thiểu các tác động tiềm ẩn liên quan đến BĐKH.

Nhóm tác giả tiến hành phân tích thực trạng mô hình quản lý đô thị tại TP.HCM; đánh giá tác động của BĐKH đến các đối tượng trong mô hình quản lý đô thị tại TP.HCM; phân tích cấu trúc mô hình quản lý về BĐKH tại TP.HCM; khảo sát ý kiến chuyên gia và các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức khối Nhà nước trên địa bàn TP.HCM để đánh giá khả năng ứng phó với BĐKH của mô hình quản lý đô thị.

Từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hướng đến mô hình quản lý đô thị trong điều kiện BĐKH tại TP.HCM, bao gồm các đề xuất cho các nhóm: (1) cơ cấu tổ chức; (2) cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan; (3) thể chế chính sách liên quan đến BĐKH; (4) tài chính về BĐKH; (5) các vấn đề liên quan đến các đối tượng trong mô hình quản lý đô thị của Thành phố. Các giải pháp có một số thuộc thẩm quyền của Trung ương như ban hành Luật BĐKH, các quy định về đánh giá tác động và lồng ghép BĐKH vào kế hoạch,… và một số thuộc thẩm quyền của Thành phố (như cải tổ bộ máy tổ chức, ban hành quy trình lập kế hoạch hành động, cơ chế phối hợp giữa các bên,…).

Ở cấp Thành phố, đề tài đưa ra một số kiến nghị cụ thể như: thực hiện lồng ghép các nguyên tắc thích ứng với BĐKH trên quan điểm xem xét tính linh hoạt và khả năng dự phòng với BĐKH ngay từ giai đoạn đầu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển cho các ngành, lĩnh vực tại địa phương, đặc biệt đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng; lập kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đồng bộ về mặt thời gian, mục tiêu, hành động và giải pháp với các kế hoạch kinh tế xã hội, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, kế hoạch quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật có tính yếu tố BĐKH; xây dựng kế hoạch quản lý các tác động của BĐKH đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đảm bảo sự đồng bộ giữa các loại hạ tầng trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch quản lý cơ sở hạ tầng trong điều kiện BĐKH, quản lý rủi ro do BĐKH phải được lên kế hoạch theo cách tích hợp và phối hợp; xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH cho lĩnh vực y tế nhằm giải quyết các mối đe dọa do sự thay đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng; ngành giáo dục cần xây dựng kế hoạch đưa nội dung BĐKH vào các cấp học, đặc biệt là nội dung tiếp cận phương pháp lập kế hoạch và lồng ghép BĐKH trong các khóa học ở cấp đại học; xây dựng Kế hoạch tăng trưởng xanh giai đoạn tiếp theo bám sát các nội dung trong “Hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh” và thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững tại TP.HCM dựa trên Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và Quyết định số 681/QĐ-TTg về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Ngoài ra, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó làm rõ nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm giữa các bên, đặc biệt về cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, trách nhiệm báo cáo; xem xét nâng cao vai trò điều phối các bên liên quan của Văn phòng BĐKH thông qua nâng cao vị trí là một cơ quan độc lập trực thuộc UBND TP.HCM; bổ sung một số thành viên Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH như Đài Khí tượng thủy văn, Đài phát thanh, Đài truyền hình và Cục Thống kê; quy định chức năng nhiệm vụ liên quan đến BĐKH ở cấp quận/huyện; nâng cao kiến thức về BĐKH ở các ngành, địa phương;...

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác: