SpStinet - vwpChiTiet

 

Công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo

Quá trình nuôi trồng được tiến hành theo 4 giai đoạn: nuôi sợi, tạo giá thể, nuôi giá thể, thu hoạch.

Đông trùng hạ thảo là tên gọi của một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis với ấu trùng của một loài côn trùng thuộc chi Hepoalus. Đây là loại dược liệu quý, có hàm lượng hoạt chất Cordycepin Adenosin cao, có giá trị lớn trong việc bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh.

Để đảm bảo nguồn cung, đông trùng hạ thảo được nuôi trồng theo quy trình khép kín từ khâu phân lập, lai tạo chủng giống. Sau đó nhân sinh khối, đưa vào nuôi trồng, thu hoạch và bảo quản nhằm giữ được chất lượng tốt nhất. Quá trình nuôi trồng được tiến hành theo 4 giai đoạn: nuôi sợi, tạo giá thể, nuôi giá thể, thu hoạch.

Mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

Ở giai đoạn 1, các bình thủy tinh sau khi được cấy giống đông trùng hạ thảo sẽ được nuôi sợi trong điều kiện không ánh sáng, độ ẩm 75% ở nhiệt độ 250C trong khoảng thời gian từ 15-20 ngày cho tới khi sợi đông trùng hạ thảo ăn kín toàn bộ bề mặt môi trường.

Ở giai đoạn 2, các bình được nuôi ở điều kiện chiếu sáng 12 giờ/ngày, với cường độ chiếu sáng 1000 Lux, độ ẩm 80% và nhiệt độ 220C. Hàng ngày vào buổi sáng sớm và chiều tối tiến hành mở cửa phòng khoảng 30 phút để có sự lưu thông không khí trong và ngoài phòng. Sau khoảng 15 ngày trên bề mặt các bình nuôi bắt đầu mọc ra các ngọn nấm li ti.

Ở giai đoạn 3, các bình được nuôi ở chế độ chiếu sáng 12 giờ/ngày với cường độ chiếu sáng 700 Lux, độ ẩm 80-85%, nhiệt độ 220C. Hàng ngày vào buổi tối và sáng sớm cũng mở cửa phòng khoảng 30 phút. Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra theo dõi hàng ngày để loại bỏ các bình mốc, nhiễm khuẩn. Sau khoảng 2 tháng trên ngọn bắt đầu xuất hiện bào tử (đầu ngọn có màu vàng đậm).

Ở giai đoạn 4, khi ngọn có màu vàng đậm hơn phần thân nấm, lúc đó bào tử bắt đầu xuất hiện, tiến hành thu hoạch đông trùng hạ thảo. Mở nắp bình, dùng kéo cong cắt ngọn xuống sát mặt cơ chất hoặc dùng panh kẹp lấy từng cụm nấm ra. Muốn tận thu đợt 2 đối với các bình còn nguồn cơ chất, người nuôi phải thu hoạch trong điều kiện vô trùng để tránh nhiễm khuẩn và nấm mốc cho các bình nuôi. Sau khi thu hoạch thì dùng nilon bịt kính lại miệng bình tiếp tục đưa vào phòng nuôi để thu hoạch lần 2.

Chi phí đầu tư cho công nghệ nuôi đông trùng hạ thảo nhân tạo như trên khá rẻ, vì các thiết bị phục vụ cho sản xuất nấm như nồi hơi công nghiệp, thiết bị khử trùng, hệ thống phun sương, máy điều hòa…được sản xuất trong nước, với giá thành phù hợp. Nguồn nguyên liệu sử dụng quá trình nuôi trồng cũng có sẵn và đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm.

Để đảm bảo nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo thành công, phòng nuôi trồng phải đảm bảo các điều kiện như vô trùng, có độ sáng và thoáng tự nhiên, có bổ sung hệ thống chiếu sáng và giàn giá để đặt bình nuôi. Bên cạnh đó, cần trang bị thêm hệ thống phun sương (tự động) tạo độ ẩm cần thiết (70-85%) và hệ thống làm lạnh để giữ nhiệt độ ổn định (18-200C).

Công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo được giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học 2020 do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM tổ chức vào các ngày 5-6/11.

Techmart Công nghệ sinh học 2020 gồm 3 hoạt động chính: trưng bày, giới thiệu hàng trăm công nghệ và thiết bị tại 50 gian hàng; hội thảo trình diễn 27 chuyên đề công nghệ; tư vấn của 8 chuyên gia về các giải pháp công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.

 

Hoàng Kim (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả