SpStinet - vwpChiTiet

 

Hướng đến tương lai bền vững: cần thay đổi cách sản xuất và tiêu thụ thực phẩm

Đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt gần 10 tỷ người. Nếu chúng ta không tạo ra những biến đối mạnh trong hệ thống cung ứng lương thực toàn cầu, thì việc nuôi sống gần 10 tỷ người trong điều kiện tình trạng đói nghèo, nạn phá rừng và khí thải nhà kính không trầm trọng thêm, là việc bất khả thi.

Vấn đề này đã được đề cập trong một báo cáo có tên gọi Creating a Sustainable Food Future (Tạo ra nguồn lương thực bền vững cho tương lai) xuất bản ngày 5/12/2018 trong tuyển tập World Resources Report.

Theo dự báo, nhu cầu thực phẩm vào năm 2050 sẽ tăng hơn 50%, trong đó nhu cầu về thực phẩm từ động vật (thịt, sữa và trứng) có khả năng tăng gần 70%, khiến cho hàng triệu người phải đương đầu với nạn đói. Bên cạnh đó, nông nghiệp sẽ chiếm dụng khoảng một nửa diện tích cây xanh của thế giới để sản xuất lương thực, tạo ra 1/4 lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

Trong báo cáo, Viện tài nguyên Thế giới (WRI) đã gợi ý về các giải pháp bền vững để nuôi sống gần 10 tỷ người vào năm 2050: “Các giải pháp này gần giống với các giải pháp được đưa ra trong Kịch bản sử dụng đất và an ninh lương thực Agrimonde-Terra thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Nông nghệp Pháp (CIRAD) và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Pháp (INRA) ở một số điểm chính. Tuy nhiên, 2 giải pháp lại khác nhau về mục tiêu ban đầu. Trong khi WRI muốn tăng sản lượng lương thực thực phẩm mà vẫn giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mở rộng đất nông nghiệp, Agrimonde-Terra lại muốn tìm hiểu một số kịch bản sử dụng đất hiệu quả trong tương lai", chuyên gia nông nghiệp Patrice Dumas thuộc CIRAD cho biết.

WRI ước tính, để cung cấp lương thực một cách bền vững trong khi vẫn giảm thiểu sử dụng đất nông nghiệp và khí thải nhà kính vào năm 2050, cả thể giới phải cùng chung tay thực hiện các giải pháp như:

  • Giảm nhu cầu lương thực bằng cách giảm lượng thức ăn thừa, ăn ít thịt bò và thịt cừu, không sử dụng cây trồng làm nguyên liệu sinh học, đồng thời giảm bùng nổ dân số bằng cách điều chỉnh mức sinh hợp lý.
  • Tăng cao năng suất cây trồng và vật nuôi trên cùng một diện tích đất.
  • Ngăn chặn nạn phá rừng, khôi phục đất than bùn và đất thái hóa, kết hợp nhiều thành tựu ở các lĩnh vực khác để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
  • Cải thiện việc nuôi trồng thủy sản và quản lý hiệu quả hoạt động đánh bắt.
  • Sử dụng các công nghệ và phương pháp canh tác nông nghiệp tiên tiến giúp giảm lượng khí thải nhà kính.

Thực phẩm là nguyên nhân hàng đầu, đứng đằng sau hầu hết các vấn đề về môi trường và phát triển như nạn phá rừng, suy dinh dưỡng, mất đa dạng sinh học, khan hiếm nước, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước,... Bằng cách cải thiện phương thức sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, chúng ta có thể khắc phục được gốc rễ của  các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay.

Các tin khác: