SpStinet - vwpChiTiet

 

Đột phá trong lĩnh vực robot

Khi nghe từ "robot" có thể bạn nghĩ ngay đến cỗ máy hình người giống như C-3PO trong bộ phim Star Wars hay Wall-E trong bộ phim Robot biết yêu hoặc robot Terminator đáng sợ. Thực ra robot có muôn hình vạn trạng và có nhiều tiềm năng giúp ích cho cuộc sống của chúng ta.

Các phòng thí nghiệm của Đại học Harvard đang thực hiện một số nghiên cứu làm thay đổi hình dung phổ biến của
chúng ta về robot. Có thứ cho phép mang như găng tay, thứ khác có thể mặc vào như quần áo. Một số robot có cánh tay xốp có thể nhặt những vật thể mỏng manh. Và còn có những robot rất nhỏ và nhẹ, có thể bay trên đôi cánh mỏng như tờ giấy, giống như côn trùng.

Những sáng tạo đáng kinh ngạc này là những ví dụ mạnh mẽ về sự đổi mới thú vị đang diễn ra trong lĩnh vực robot. Trong khi các nhà văn khoa học viễn tưởng có thể khiến chúng ta lo sợ về robot tương lai kiểu Terminator, thì những khám phá gần đây cho thấy, robot có rất nhiều tiềm năng giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Chúng có thể hỗ trợ về thể chất, giúp ích trong việc tìm kiếm cứu hộ, các vấn đề y tế và công nghệ khác.

Ví dụ như chiếc quần robot, được phát triển bởi nhóm nghiên cứu của TS. Conor Walsh tại Phòng thí nghiệm
Biodesig. Đây là một thành phần của bộ đồ trợ lực, giúp khôi phục cử động cho những người bị chấn thương cột sống hoặc rối loạn vận động do tai biến hay bệnh liệt. Còn đối với những người bình thường, bộ đồ này có thể giúp trợ lực khi khuân vác vật nặng.

Tuy các bộ khung trợ lực cứng nhắc với chức năng tương tự đã có nhiều năm nay, nhưng điều khác biệt ở đây là bộ đồ này mềm. Tập hợp các nhà nghiên cứu kỹ thuật, thiết kế công nghiệp, may mặc và y tế, Conor và nhóm của ông đã phát triển bộ đồ được thiết kế đặc biệt đủ nhẹ để mặc.

Một sáng tạo khác của Conor là chiếc găng tay robot mềm, có các ống khí nén nhẹ giúp người dùng dễ dàng cầm nắm. Công nghệ này có thể thay đổi cuộc sống của những người bị liệt do tai biến hoặc bệnh tật, cho phép họ thực hiện các hoạt động cơ bản như ăn, uống và thậm chí là viết.

Còn nhóm của TS. Robert Wood tại Phòng thí nghiệm Microrobotics thì tập trung vào các robot lấy cảm hứng từ sinh học. Sáng tạo nổi bật nhất của ông là RoboBee, một robot bay siêu nhỏ có kích thước bằng nửa chiếc kẹp giấy và nặng chưa đến 1/10 gram. Một số mô hình RoboBee có thể chuyển từ bơi dưới nước sang bay trên không. Họ cũng đang làm việc để các RoboBee có thể liên lạc với nhau và phối hợp hành động.

TS. Robert Robert cho rằng, trong tương lai, các vi robot bay rất có ích cho nông nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, giám sát và theo dõi khí hậu. Nghiên cứu này cũng có thể ứng dụng cho các lĩnh vực khác. Ví dụ, các công nghệ được phát triển để sản xuất vi robot có thể được sử dụng trong lĩnh vực y tế, để chế tạo các thiết bị vi phẫu thuật dùng trong nội soi.

Trước mắt nhóm của TS. Robert phải giải quyết một số thách thức kỹ thuật, trong đó, vấn đề quan trọng là làm sao để cung cấp năng lượng cho vi robot bay. Hiện tại, mỗi RoboBee được buộc vào một sợi dây mỏng nối với nguồn điện. Mục tiêu là tìm cách cấp nguồn nội tại để RoboBee có thể tự chủ. Vì chưa có các loại pin nhỏ và nhẹ, nên họ đang tìm cách tự chế tạo.

Một nghiên cứu tuyệt vời khác của nhóm TS. Robert là robot mềm, loại robot hoàn toàn mới, không có các thành phần cứng như pin hay hệ thống điện tử. Sáng tạo đầu tiên của họ là một robot được in 3D, có biệt danh là Octobot. Nó mềm, tự động và chạy bằng hóa chất. Gần đây, họ cũng đã phát triển một cánh tay robot mềm để sử dụng trong nghiên cứu dưới biển sâu. Cho đến nay, các cánh tay robot trên tàu ngầm nghiên cứu được chế tạo bằng vật liệu cứng, không đủ uyển chuyển để nắm bắt sứa và các sinh vật biển mỏng manh khác. Cánh tay robot mềm mới sẽ cho phép các nhà nghiên cứu nhẹ nhàng nhặt những sinh vật dưới nước mà không làm hỏng chúng.

Nguồn: GatesNotes.com

Các tin khác: